Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Bác Ba Phi nổi tiếng với các truyện cười đậm chất miền Tây Nam Bộ. Nhân vật Bác Ba được đưa vào các câu truyện, vào sách và được viết kịch bản dựng các tiểu phẩm hài. Hình tượng Bác Ba còn xuất hiện trong các bộ phim về miền Tây Sông nước.

“Đêm hôm đó, lúc tôi đang xay lúa, bỗng nghe hơi cọp, liền biết “ông thầy” đang rình bên ngoài. Nhờ biết trước, tôi vừa xay lúa vừa thủ thế. Quả nhiên, trong chớp mắt cọp nhào vô chụp tôi. Tôi liền né sang bên. Cọp lỡ đà vướng hai chân trước vào giằng xay. Thế là nó sa đà theo vòng quay của cái cối đang quay. Thấy vậy, tôi hối “Bả” xúc lúa đổ vào cối. Đợi cho tới lúc cọp xay hết 20 giạ lúa, tôi liền hét lên một tiếng thật to: “Cọp”! Nó hoảng quá, đâm đầu chạy tuốt ra rừng. Từ đó về sau cọp “bỏ tật” bắt người ăn thịt”. Đây là một trong vô số câu chuyện hài hước của Bác Ba Phi – người nông dân vui tính mọi người dân miền Tây Nam Bộ yêu quý.

Bác Ba Phi là ai?

Bác Ba Phi hay Bác Ba là nhân vật chính xuyên suốt trong tác phẩm “Truyện Bác Ba Phi” của nhà văn Anh Động. Bác Ba trong trong truyện là người nông dân tính cách hài hước, chân chất, luôn giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, Bác Ba rất giỏi kể truyện cười, những câu truyện của Bác Ba là món ăn tinh thần của mọi người sau ngày lao động mệt mỏi. Chình vì vậy, nhân vật Bác Ba được nhiều người đọc yêu thích. Tuy nhiên, Bác Ba không chỉ là nhân vật trong truyện mà là được xây dựng trên hình tượng Bác Ba Phi có thật ngoài đời.

Truyện Bác Ba Phi của nhà văn Anh Động
Truyện Bác Ba Phi của nhà văn Anh Động

Bác Ba Phi sinh năm 1884, mất ngày 3/11/1964, tên khai sinh là Nguyễn Long Phi. Bác Ba Phi thuộc nhóm những người đầu tiên có công khai khẩn đất rừng U Minh – vùng đất rừng ngập nước vốn vô cùng khắc nghiệt. Nhờ tính cần cù, chịu khó và sức vóc khỏe mạnh, ông đã làm chủ cả ngàn ha đất nơi đây.

Thủa thiếu thời, vốn sinh ra là con trưởng nên ông được gọi là Hai Phí. Tuy nhiên, sau khi ông lấy vợ, do tập tục ở rể mà ông được gọi là Ba Phi theo thứ tự vợ cả của ông trong gia đình. Bác Ba Phi được mọi người yêu mến vì tính cách hòa đồng, vui vẻ và đặc biệt là các câu chuyện dí dỏm do ông tự sáng  tác và kể cho con cháu, xóm làng nghe. Trong thời kỳ kháng chiến, ông đã đóng góp rất nhiều đất đai, ruộng đồng cho Cách Mạng.

Bác Ba Phi quê ở đâu?

Bác Ba Phi sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười, trong gia đình có 5 anh chị em, ông là con trưởng. Năm 10 tuổi, gia đình ông chuyển lên vùng Rạch Muỗi, Cái Rắn, nay thuộc xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Năm 15 tuổi, cha mất, ông trở thành trụ cột gia đình, đi làm thuê nuôi mẹ và các em. Năm 18 tuổi, ông bị Pháp bắt đi lính lê dương mấy năm. Sau đó, ông trốn về Thái Lan, rồi lần mò về đất rừng U Minh sống cho đến khi qua đời.

Căn nhà gỗ đơn sơ của Bác Ba Phi ở 26 ấp Lung Tràm
Căn nhà gỗ đơn sơ của Bác Ba Phi ở 26 ấp Lung Tràm
Bàn thờ Bác Ba Phi trong nhà 
Bàn thờ Bác Ba Phi trong nhà

Bác Ba Phi qua đời tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hiện tại, con dâu cả (Bà Nguyễn Thị Anh – vợ ông  Nguyễn Tứ Hải) và con gái út Bác Ba Phi với 10 người cháu nội ngoại của ông vẫn đang sinh sống tại đất Lung Tràng, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

Vợ Bác Ba Phi là ai?

Trong thời gian sống trong rừng U Minh, Hai Phi được kết thân với Tư Ứng là con của hương quản Trần Văn Tế – một người giàu có bậc nhất xứ này. Hai Phi được Tư Ứng đưa về nhà chơi nhiều lần. Hương quản Tế để ý thấy Hai Phi khỏe mạnh, hiền lành nên kêu ở lại làm tá điền, coi sóc ruộng đất của gia đình, thực chất là ở đợ.

Dần dần bản tính siêng năng và tính nết thật thà của Hai Phi đã chinh phục được hương quản Tế. Ông đã có ý gả con gái thứ ba tên là Trần Thị Lữ cho Hai Phi. Để thử lòng Hai Phi, hương quản Tế ra điều kiện: “Phải ở rể thêm ba năm nữa mới được cưới con gái ông”.

Kể từ lúc cưới vợ, cái tên “cúng cơm” Nguyễn Long Phi hoặc Hai Phi cũng biến mất. Mọi người đều gọi ông căn cứ vào thứ của vợ nên cái tên Ba Phi xuất hiện và… chết danh cho đến bây giờ.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị.

Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái. Hai người con gái đầu mất trong chiến tranh, hiện tại người con gái út vẫn sống tại quê nhà Cà Mau.

Tại sao Bác Ba Phi nổi tiếng với người dân miền sông nước?

Bác Ba Phi nổi tiếng với các câu truyện trạng (nói dóc) mà ông hay kể cho con cháu và xóm làng cùng nghe. Những câu chuyện ông kể giản dị, mộc mạc, chân thật giống như tính cách trung thực, chất phác của người dân miền Tây vậy. Chỉ là những mẩu truyện đơn giản, nội dung xoay xung quanh cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người nông dân. Tuy nhiên, với lối kể hài hước, xen lẫn các chi tiết “nói dóc”, cường điệu quá mức đã mang lại tiếng cười vui vẻ cho mọi người.

Cho đến ngày nay, các câu truyện kể của Bác Ba Phi vẫn được mọi người kể cho nhau nghe, như một thú vui sau ngày lao động mệt mỏi. Tuy nhiên, tất cả các câu chuyện ông kể lưu truyền bằng truyền miệng, không có văn bản chính thức nào ghi chép lại. Mặc dù chỉ là các câu chuyện truyền miệng nhưng nó mang đậm bản sắc văn học dân gian. Vì vậy mà Bác Ba Phi, tức Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian năm 2003.

Câu chuyện về Bác Ba Phi còn được dựng thành các tiểu phẩm hài ngắn. Trong đó, nhân vật Bác Ba Phi do nghệ sĩ Hoài Linh đóng được rất nhiều khán giả yêu thích.

Thực hư câu chuyện cưới vợ được đất của Bác Ba Phi

Theo nhiều dị bản truyền miệng và thông tin lan truyền trên mạng, Bác Ba Phi lấy vợ và được ba vợ chia đất, bỗng dưng trở thành tiểu địa chủ giàu có. Tuy nhiên, điều này là sai sự thật.

Bà Nguyễn Thị Anh khẳng định hương quản Tế gả bà Trần Thị Lữ cho ông Ba Phi hoàn toàn không có kèm theo mấy ngàn công ruộng để gọi là “bù đắp nhan sắc” như mọi người hay đồn đại. Vùng đất đai rộng lớn do Bác Ba Phi sở hữu là do chính ông tự tay khai phá rừng mà thành như bây giờ.

Ông Nguyễn Tấn Lực (62 tuổi, cháu nội ông Sáu Đống – em của ông Ba Phi) xác nhận: “Nội tui thuật lại cho mấy anh em tui biết vùng đất này do một tay ông bác của tui khai phá mà có. Sau khi đã khai phá xong, ông bác tui kêu ông nội tui xuống đây lập nghiệp. Ông nội tui ban đầu tính không đi vì nhà có tới 11 đứa con, cần rất nhiều đất mới có thể chia đủ.”

“Ông bác tui nói cứ dẫn theo hết xuống đây, ông cho mỗi đứa 100 công ruộng mà làm. Nhờ ông bác cho nhiều đất mà sau này ba tui có mà chia cho con cái. Tui là cháu nội mà còn được hơn 50 công, tức hơn 5ha. Nhờ vậy mà sống cũng khỏe”.

Bác Ba Phi có những đóng góp gì cho Cách Mạng?

Năm 1942, giữa lúc cao trào cách mạng đang dâng cao, bác Ba tự nguyện hiến hơn 2.000 công ruộng ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho làng xã. Đất này sau đó được cấp cho dân nghèo sản xuất. Ông chỉ chừa lại cho mình chừng 50 công để sản xuất.

Mộ Bác Ba Phi và 2 người vợ của ông ở mảnh đất sau nhà hiện đang được cháu gái nội là bà Nguyễn Thị Dung trông coi
Mộ Bác Ba Phi và 2 người vợ của ông ở mảnh đất sau nhà hiện đang được cháu gái nội là bà Nguyễn Thị Dung trông coi

Để ghi công người nông dân di dóm, hảo sảng này, phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và bà Chăm. Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được đề xuất xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau.

Xem thêm:

5/5 - (3 bình chọn)
Share.

Comments are closed.