Bạn thắc mắc không biết ông bà nội, ông bà ngoại Bác Hồ là ai, họ đã ảnh hưởng như thế nào đến con người vĩ đại của đất nước sau này?Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu trong bài viết sau.
Nội dung trong bài này
Ông bà nội bác Hồ là ai?
Bà nội Hà Thị Hy
Bà Hà Thị Hy – bà nội của Nguyễn Sinh Cung vốn là người tài sắc trong vùng, bà hát hay múa đẹp, nhất là múa đèn. Bà sinh ra trong một gia đình khá giả ở Mậu Tài (tức làng Sài) tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, nơi mà đàn ông có khiếu văn chương, đàn bà phần đông mảnh mai, có giọng hát hay. Cụ sinh ra bà Hà Thị Hy là Hà Văn Cẩn, một bậc huynh thứ trong làng, vừa là lão nông thực thụ, vừa là nghệ sĩ dân gian nổi tiếng. Cụ Cẩn cũng là người chăm chỉ, rất mực yêu thương gia đình.
Có tài sắc nhưng bà Hy tới ngoài 20 tuổi vẫn chưa xuất giá, mặc dù có nhiều người đã đánh tiếng. Cuối cùng Bà đã chọn Ông Nguyễn Sinh Nhậm một người dáng cao, gương mặt phúc hậu, phong thái đường hoàng…..nhưng sống cảnh gà trống nuôi con .
Ông nội Nguyễn Sinh Nhậm
Ông tổ của Nguyễn Sinh Nhậm là Nguyễn Bá Phổ ở làng Kim Liên (làng Sen), Nam Đàn, đến thế hệ thứ tư thì ông tộc trưởng Nguyễn Bá Dân xin đổi chữ lót họ mình thành Nguyễn Sinh. Dòng họ này về sau có người đỗ đạt, thành danh. Đến thế hệ thứ 9 chia thành nhiều nhánh, có người đến Mậu Tài cùng huyện. Ông Nguyễn Sinh Nhậm (tức Nguyễn Sinh Vượng) sinh trưởng trong gia đình khá giả ở làng Sen, được học hành, lớn lên lấy vợ, đẻ ra Nguyễn Sinh Trợ; chẳng bao lâu vợ mất.
Theo sách “Hồ Chí Minh thời niên thiếu” do Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh ủy Nghệ An phát hành năm 2004 xác định rằng: Nguyễn Sinh Sắc là con trai út ông Nguyễn Sinh Vượng (tức Nhậm). Bà vợ trước của ông Nhậm mất sớm để lại một con trai là Nguyễn Sinh Trợ (tức Thuyết). Sau khi lập gia đình riêng cho con, ông Nhậm mới lấy bà Hà Thị Hy ở làng Mậu Tài xã Chung Cự (nay thuộc xã Kim Liên). Cũng theo sách này chưa đến 5 tuổi ông Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống với người anh là Nguyễn Sinh Trợ. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, nhưng ông Sắc được ông đồ Hoàng Xuân Đường nâng đỡ tận tình, cho ăn học, rồi gả con gái tài sắc là Hoàng Thị Loan cho.
Ông bà ngoại Bác Hồ là ai?
Bà ngoại Nguyễn Thị Nhụy
Bà Nguyễn Thị Nhụy (Kép) là con gái của cụ Nguyễn Văn Giáp, vợ ông là con gái cả của cụ Nguyễn Công Hanh, là gia đình giàu có ở thôn Trung làng Kẻ Sía, xã Ước Lễ, tổng Thông Lảng, phủ Hưng Nguyên.
Đường con cái của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Giáp rất gian nan, cụ bà trải qua 11 lần sinh nở nhưng chỉ nuôi được 2 người con gái là Nguyễn Thị Nhụy (Kép) là bà ngoại của Bác Hồ và Nguyễn Thị Hoan. Cả hai chị em bà đều có tư chất thông minh hiếm có, tính tình siêng năng, khéo léo, được cha cho học chữ từ nhỏ.
Năm 15 tuổi bà Kép được gả cho tú tài Hoàng Đường, vốn là con trai người bạn thân của ông Giáp ở làng Hoàng Trù – Kim Liên – Nam Đàn.
Ông ngoại Hoàng Xuân Đường
Cụ Hoàng Xuân Đường sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học ở làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xóm Trù 1, xã Kim Liên).
Sinh trưởng trong một gia đình có nề nếp gia phong, thuở nhỏ cụ Hoàng Xuân Đường chịu ảnh hưởng truyền thống quê hương, được tôi luyện trong cái nôi Hán học ở mảnh đất Kim Liên tuy chưa có những chứng chỉ, học vị cao nhưng cụ là bậc túc nho nổi tiếng, một người thầy giáo có kiến thức uyên thâm. Với tấm lòng kính trọng và quý mến cụ nhân dân trong vùng thường gọi cụ bằng cái tên rất đỗi thân mật là cụ đồ An.
Cụ Hoàng Đường thường đi lại thăm bà con bên ngoại và ghé thăm cụ Vương Thúc Mậu cùng một số bạn đồng niên ở Làng Sen. Những lần đến Làng Sen, thấy một chú bé ngồi trên lưng trâu chăm chú đọc sách, vốn là một thầy đồ quý mến trò, cụ rất có cảm tình với chú bé hiếu học ấy.
Ngày tết Mậu Dần (1878), khi hầu hết trẻ con trong làng đang mải mê với các trò chơi, Cụ Đường lại thấy chú bé ấy chăm chú đọc sách trên lưng trâu, cảnh tượng ấy đã tạo dấu ấn đặc biệt đối với cụ. Hỏi tên tuổi và hoàn cảnh thì biết được cậu bé là Nguyễn Sinh Sắc, là cậu bé thông minh, ham học nhưng do điều kiện, hoàn cảnh gia đình nên không được đến trường.
Vốn là người giàu lòng nhân ái, thương cảm cảnh ngộ đó, cụ Hoàng Đường đã bàn với vợ xin đón cậu bé về nhà mình nuôi ăn học. Nguyễn Sinh Sắc được sống trong tình thương yêu và sự dạy dỗ của gia đình cụ Hoàng Đường. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời của Nguyễn Sinh Sắc. Nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ của cụ Hoàng Xuân Đường, cậu bé Nguyễn Sinh Sắc học tập tiến bộ rất nhanh, càng ngày càng bộc lộ rõ thiên tư, hứa hẹn một tương lai tươi sáng trên con đường cử nghiệp.
Khi Nguyễn Sinh Sắc đến tuổi trưởng thành, cô Hoàng Thị Loan – con gái đầu lòng của Cụ Hoàng Xuân Đường cũng đã lớn và ngày càng có cảm tình với cậu con trai thông minh và tốt nết ấy. Trước tình cảm tốt đẹp của các con, cụ đã vượt qua lễ giáo phong kiến và quyết định chọn Nguyễn Sinh Sắc làm con rể của mình.
Năm 1883 đám cưới được tổ chức tại làng Hoàng Trù. Ông bà Hoàng Đường đã dựng ngôi nhà tranh ba gian trong vườn nhà mình để cho đôi vợ chồng mới cưới có chỗ ở riêng. Từ mối duyên tơ được cha mẹ kết nên, ông Sắc và bà Loan đã sinh ra cho đất nước những người con vĩ đại: Chị Thanh (1884), Cậu Khiêm (1888), Nguyễn Sinh Cung (1890) – Chủ tịch Hồ Chí Minh và bé Nguyễn Sinh Xin (1901).
Gia đình ông Hoàng Đường và bà Nhụy thời gian này có phần khấm khá hơn bởi có 3 nguồn thu từ dạy học, dệt vải và 2 mẫu ruộng. Bà Nhụy là người thông minh, tháo vát, xuất phát từ gia đình nho giáo, cha là bậc tú tài, bà một mực vì chồng, vì con và các cháu ngoại, trong đó có Nguyễn Sinh Cung. Từ khi lọt lòng đến tuổi ăn học, bà đều dành nhiều sự thương yêu, chăm sóc, bày vẽ thêm cho các cháu học chữ, điều ăn nết ở để làm người.
Trong ghi chép của nhà văn Sơn Tùng với tựa đề “O đi thăm Thành”, có đoạn viết: “Ba chị em O Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung đều được mẹ và bà ngoại dạy chữ trước, sau đó cha O mới dạy cho các con học chữ. Năm cậu Thành lên 4 tuổi thì mẹ O đã khai tâm cho cậu ấy, mẹ O vốn được bà ngoại khai tâm rồi mới được cha dạy học tới 15 tuổi thì nghỉ, bà ngoại cũng là một người nhiều chữ”.
Trong lần vào Huế thứ nhất, gia đình Nguyễn Sinh Sắc để lại Nguyễn Thị Thanh cho bà ngoại chăm sóc, dạy dỗ. Sau khi bà Hoàng Thị Loan sinh con thứ 4 lâm bệnh và qua đời, thì cả 4 chị em đều nhờ bà ngoại chăm sóc tại Hoàng Trù. Lúc này bà Nguyễn Thị Nhụy (bà Kép), tuy đã lục tuần vẫn phải nén lòng nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ cháu ngoại thay con gái.
Cụ Hoàng Đường qua đời vào ngày 7/4 năm Quý Tỵ (1893). Dẫu chỉ được sống cùng với ông ngoại 3 năm, nhưng trong những năm tháng đầu đời quan trọng ấy, qua những câu chuyện giản dị, những lời khuyên mộc mạc, những câu hò ví dặm… mà ông ngoại đã đọc, đã hát cho bé Cung nghe, tuy chưa hiểu hết một cách trọn vẹn, song cũng đã có tác động rất lớn đối với việc hình thành nhân cách của cậu bé. Ông ngoại, bà ngoại, dì An đã thổi vào tâm hồn bé Cung tình thương yêu con người, lòng nhân hậu bao la. Từ thực tiễn chứng kiến những nỗi đau của bà con nhân dân, của dân tộc, tâm hồn ấy lớn dần theo năm tháng, để rồi thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm đường cứu nước, cứu dân, thôi thúc Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.