Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Cụ Hoàng Thị Loan là thân mẫu, người sinh ra chủ tịch Hồ Chủ Minh kính yêu – vĩ nhân của thế giới và là người hùng trong mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Cụ Hoàng Thị Loan là ai?

Cụ Hoàng Thị Loan sinh năm 1868, mất năm 1901, sinh ra trong một gia đình Nho học. Bà là con gái của cụ Hoàng Xuân Đường, được gả chồng từ tuổi 15. Cả hai gia đình Nội, Ngoại của Cụ đều giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đương thời, đồng thời đều tham gia lao động trực tiếp.

Cụ Bà Hoàng Thị Loan lớn lên với sự giáo dục tiến bộ của gia đình, lại được sống ở một vùng quê nổi tiếng về thuần phong mỹ tục với nền văn hóa truyền thống lâu đời. Quê Cụ cũng là quê hương của hát phường vải, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian thú vị. Cụ thông thuộc nhiều làn điệu câu ví đạt tới mức sâu sắc.

Cụ Bà Hoàng Thị Loan sinh hạ được 4 người con, có một cuộc sống tình cảm vô cùng đẹp đẽ với chồng con. Nhờ có Bà động viên, khuyến khích, ông Nguyễn Sinh Sắc yên tâm dùi mài kinh sử và không phụ công Bà, ông đã đỗ đạt thành danh.

Cụ Hoàng Thị Loan

Chồng Cụ Bà Hoàng Thị Loan là ai?

Cụ là một hình mẫu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiền hậu, hết lòng vì chồng con. Bà kết hôn với Cụ Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy, người dân còn gọi là Cụ Phó bảng; 1862 – 1929), là thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, một người mồ côi cả cha lẫn mẹ vào cuối năm 1883.

Khi Cụ Nguyễn Sinh Sắc đi thi ở Huế, vì túng thiếu tiến bạc nên ngỏ ý mời Cụ Bà Hoàng Thị Loan lên kinh giúp đỡ, Cụ Bà đã gởi con gái đầu lòng của mình Nguyễn Thị Thanh (1884 – 1954)) lại Nghệ An và đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (7 tuổi) và Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi) gồng gánh cùng chồng vào Huế.

Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua chặng đường dài vào Huế giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt không bao giờ phai mờ trong tâm trí của Cụ Ông Nguyễn Sinh Sắc.

Để biết thêm thông tin về Cụ ông Nguyễn Sinh Sắc, bạn có thể xem thêm thông tin Tại đây.

Mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh mất khi nào?

Ở Huế, bà tảo tần làm nhiều nghề khác nhau, 1 tay nuôi cả gia đình. Năm 1900 sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận (tên khai sinh là Nguyễn Sinh Xin), cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó Cụ Bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào ngày 10 tháng 2 năm 1901.

Thi hài của Bà được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế. Năm 1922, hài cốt của Bà được Bà Thanh – con gái cả của Cụ đưa về mai táng tại vườn nhà mình ở Làng Sen – Kim Liên. Năm 1942, hài cốt của Bà lại được con trai Nguyễn Sinh Khiêm đưa lên cải táng tại ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ.

Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) – Nay là Nghệ An và Hà Tĩnh cùng lực lượng vũ trang QK4 thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng lại khu mộ của Cụ, khang trang, đẹp đẽ hơn.

Mẹ đã ảnh hưởng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?

Cụ Hoàng Thị Loan đã có tác động tích cực đến các con bằng tính tình giản dị, khiêm tốn, đức hy sinh, chung thủy, yêu đời, yêu nước. Sinh ra trong gia đình có truyền thống, thấm đượm thánh hiền, Cụ đã dành rất nhiều tâm huyết truyền thụ cho các con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội.

Là một người mẹ cần cù, chăm chỉ, Cụ Hoàng Thị Loan đã dạy các con yêu lao động, biết làm những điều phù hợp với lứa tuổi của mình một cách say mê, sáng tạo. Nếp sống giản dị, thanh cao, yêu lao động của Cụ được phản ánh rất rõ trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Cụ Bà Hoàng Thị Loan đã ảnh hưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một nền văn hoá dân gian mang đậm bản sắc địa phương, truyền thống dân tộc, phản ánh trung thực những khát vọng ý chí và phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân. Bà đã nêu một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho các con học tập.

Cụ Hoàng Thị Loạn có nếp sống giản dị, thanh cao, yêu lao động
Cụ Hoàng Thị Loạn có nếp sống giản dị, thanh cao, yêu lao động

Mộ Cụ Bà Hoàng Thị Loan nằm ở đâu?

Mộ của Cụ Bà nằm trên ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được khởi công xây dựng lại ngày 19/5/1984, làm lễ khánh thành vào ngày 16/5/1985.

Từ đỉnh núi nơi cất mộ Cụ Bà Hoàng Thị Loan nhìn ra về hướng Tây Nam, xa xa là dãy núi Thiên Nhẫn, kế bên là làng Kim Liên quê nội và làng Chùa quê ngoại của Bác Hồ, với núi Chung còn in dấu tuổi ấu thơ của Bác…

Xa hơn nữa là dòng sông Lam chảy như sợi chỉ trắng vắt ngang trời in vào đáy nước một vùng đất “địa linh nhân kiệt” với những tên tuổi Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và thế hệ sau này là Trần Phú, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai… và nhiều tên tuổi nhà cách mạng tiền bối khác.

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất – 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây – 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của Cụ Bà.

Xung quanh ngôi mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương và đá cẩm thạch. Nóc mộ được phủ lên bằng những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ. Phía trên ngôi mộ có mái che là dàn bê tông được cách điệu như hình chiếc khung cửi, một công cụ lao động gắn với cả cuộc đời của bà để dệt vải nuôi chồng con. Che mát dàn khung bê tông là 4 cụm hoa giấy.

Ảnh mộ Cụ Hoàng Thị Loan
Ảnh mộ Cụ Hoàng Thị Loan

Trên nền sân thượng hình bán nguyệt trước mộ, có dựng tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của Cụ Bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Đường đi lên, xuống để khách tới thăm viếng ngôi mộ được xây dựng men theo sườn núi hai bên mộ, đứng xa trông như hai dải lụa đẹp, mỗi bên dài 500m. Trước mộ là vườn cây, hoa và gỗ quý. Trải dài hai bên khu mộ là rừng thông ngày đêm reo vi vút.

Hằng năm, vào ngày 22 tháng Chạp (ÂL), Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) lại tổ chức lễ giỗ của Bà Hoàng Thị Loan- thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm, giản dị mà ấm cúng với sự tham gia đầy đủ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn và toàn thể cán bộ công nhân viên chức Khu di tích, đội cảnh sát bảo vệ Khu di tích cùng khách thập phương về thăm quê hương Bác.

Để kết thúc bài viết giới thiệu về người mẹ vĩ đại đã sinh ra chủ tịch Hồ Chí Minh, người viết bài này xin trích dẫn lại câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

“Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ – người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn!”

Tổng hợp từ internet!

5/5 - (10 bình chọn)
Share.

Comments are closed.