Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Ngày thầy thuốc Việt Nam cũng như Ngày thầy thuốc thế giới là dịp để tôn vinh những bác sĩ, nhân viên y tế, người công tác trong ngành y đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người. Tuy nhiên nhiều người không biết ngày thầy thuốc Việt Nam là ngày nào?

Ngày thầy thuốc Việt Nam là ngày nào?

Ngày thầy thuốc Việt Nam hay còn gọi là ngày truyền thống ngành y là ngày 27/2 hàng năm.

Lịch sử ngày thầy thuốc Việt Nam

Lịch sử ngày thầy thuốc Việt Nam được bắt nguồn từ bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh 27.2.1955. Khi đó, Bác có căn dặn rằng:

1. Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sỹ, Dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc.

Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

2. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

3. Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta.

Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “Tây””.

Nhân sự kiện bức thư của Bác vô cùng ý nghĩa đó,  năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã đưa ra quyết định ngày 27/2 hằng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Từ đó trở đi, cứ đến ngày 27.2 hàng năm, chúng ta lại tổ chức tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong ngành y.

Ý nghĩa ngày thầy thuốc Việt Nam

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là để tôn vinh những cống hiến của các y, bác sĩ đã vất vả, chăm sóc sức khỏe, cứu chữa bệnh nhân, đồng thời tìm ra những công trình khoa học mới, giúp công việc chữa bệnh thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Như lời Bác Hồ từng dạy: “Lương y như từ mẫu”, họ là những người người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy. Bởi vậy, việc có một ngày để tôn vinh đóng góp của họ mang ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Ngày 27/2 hàng năm không chỉ là để tôn vinh mà còn như là một lời nhắc nhở về trách nhiệm và sứ mệnh mà các y bác sĩ được giao phó để phục vụ nhân dân.

Ngày thầy thuốc là để tôn vinh những cống hiến của các y, bác sĩ
Ngày thầy thuốc là để tôn vinh những cống hiến của các y, bác sĩ

Biểu tượng ngày thầy thuốc Việt Nam và thế giới

Biểu tượng của ngày thầy thuốc Việt Nam và ngành Y là một cây gậy với một con rắn quấn quanh, gọi là Gậy Aesculapius hay Gậy Asklepios, dùng tên của vị thần thuốc men trong thần thoại Hy Lạp.

Theo truyền thuyết, vị thần này có tên Asklepios và tên La Mã là Aesculapius chuyên chữa lành các bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần của con người. Các tín hữu của thần này lập các đền thờ gọi là asclepion, đền thờ Asklepios, đền thờ chữa bệnh. Người bệnh khắp nơi đến đền thờ, ngủ lại đêm để chờ lấy thuốc, và thường cúng cho thần một con gà.

Gậy Aesculapius là biểu tượng của y tế tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều nơi đã nhầm lẫn và dùng Gậy Caduceus làm biểu tượng y tế. Gậy Caduceus là một cây gậy ngắn với hai cánh ở đầu và hai con rắn quấn quanh thân.

Bài hát ngày thầy thuốc Việt Nam

Có rất nhiều bài hát về ngày thầy thuốc Việt Nam: Khúc ca ngành Y,  Người chiến sĩ áo trắng, Tự hào thầy thuốc Việt Nam, Hành khúc ngành Y, Tấm lòng người thầy thuốc, Xung kích ngành y, Bác sĩ ơi nụ cười, Vì sao em chọn ngành y, Cô gái ngành Y, Người mẹ ngành Y, Hạnh phúc nghề Y….

Khẩu hiệu, lời thề ngày thầy thuốc Việt Nam

Thầy thuốc là một trong những nghề cổ xưa nhất trên thế giới, các thầy thuốc khi chẩn bệnh kê đơn đều phải tuân thủ một lời thề đầu tiên trong nghề chính là Lời thề Hippocrate.

Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Lời thề này được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp. Nội dung của lời thề đó là:

“Tôi tuyên thệ với Apollo, thần chữa bệnh, Asclepius, Hygieia và Panacea, và tôi minh chứng với tất cả các nam thần, các nữ thần, tôi gìn giữ, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, lời thề sau đây:

Yêu kính, như là cha mẹ tôi, người đã dạy tôi môn học này; sống hòa nhã với thầy và nếu cần, chia sẻ tài sản với thầy; chăm sóc con cái thầy như là anh chị em tôi và dạy họ môn học này.

Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi và không bao giờ làm hại ai.

Tôi không bao giờ đưa thuốc giết người cho bất kỳ ai hỏi tôi và sẽ không tư vấn một kế hoạch như vậy. Tôi sẽ không cho bất kỳ người phụ nữ nào một dụng cụ phá thai.

Nhưng tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi.

Tôi sẽ không giải phẫu để lấy sạn, kể cả đối với bệnh nhân biểu lộ là mang bệnh này. Tôi sẽ dành việc giải phẫu cho những y sĩ, chuyên gia về bệnh này.

Mỗi căn nhà tôi bước vào vì lợi ích của bệnh nhân của tôi, giữ gìn tôi khỏi mọi ý đồ xấu xa và mọi cám dỗ, đặc biệt là khỏi các khoái lạc tình yêu với phụ nữ hay với nam giới, dù họ là người tự do hay nô lệ.

Tất cả mọi điều tôi biết trong khi hành nghề hay trong giao tiếp với mọi người mà không nên để lộ ra ngoài, tôi sẽ giữ bí mật và sẽ không bao giờ tiết lộ.

Nếu tôi giữ lời thề này một cách thành khẩn, tôi sẽ được an hưởng đời tôi và thực hành nghề tôi, được mọi người kính trọng mãi mãi. Nếu tôi đi trái đường và vi phạm lời thề, những điều ngược lại sẽ đến với tôi”.

Các hoạt động diễn ra trong ngày thầy thuốc Việt Nam

Trong ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, các hoạt động tri ân được diễn ra khá sôi nổi, tạo nên động lực cho những người làm nghề Y thêm tin yêu vào sự nghiệp cứu người của mình. Một số hoạt động như:

  • Trao tặng giải thưởng, danh hiệu cao quý cho các thầy thuốc, cán bộ nhân viên y tế có nhiều đóng góp cống hiến trong ngành.
  • Cán bộ ban ngành gửi thư, hoa, quà chúc mừng cán bộ, công chức, nhân viên y tế… đến các trung tâm y tế cả nước. Các hoạt động mít tinh, văn nghệ chào mừng được diễn ra ở nhiều tỉnh thành, có sự tham gia của nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao.
  • Một số nơi tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo…

Những câu chúc mừng ngày thầy thuốc Việt Nam ý nghĩa nhất

  • “Lương y như từ mẫu”. Cảm ơn một người bác sĩ luôn tận tình với người bệnh, chữa bệnh bằng cái “tâm”. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, chúc anh/chị mọi điều tốt lành.
  • Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam, xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người, những ai đã đang và sẽ chọn con đường ý nghĩa này. Chúc tôi, chúc mọi người sẽ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thật nhiều thành công với sự nghiệp cứu người!
  • Bạn đang làm một công việc tuyệt vời, đó là mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người. Chúc bạn thành công hơn nữa.
  • Chúc các bác sĩ, thầy thuốc luôn khỏe mạnh, trau dồi thêm tay nghề, có tâm với nghề, sẵn sàng ra tay giúp đỡ các bệnh nhân “Cứu một mạng người hơn xây tòa tháp 7 tầng”.
  • Bạn đang làm một công việc vô cùng tuyệt vời, mang đến sức khỏe và niềm vui đến cho mọi người. Chúc bạn thành công, luôn vui vẻ.
  • Mong rằng ngày nào cũng là ngày Thầy thuốc để cho mọi người có thể nói lời cảm ơn đến các bác sĩ mỗi ngày. Chúc bạn có ngày Thầy thuốc vui vẻ, ý nghĩa, luôn tận tụy với các bệnh nhân của mình.

Các thầy thuốc nổi tiếng Việt Nam trong lịch sử

Danh y Tuệ Tĩnh

Danh Y Tuệ Tĩnh sinh năm 1330, có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Tuệ Tĩnh được coi là vị thánh thuốc nam, là ông tổ của Y học cổ truyền Việt nam. Ông là tác giả của những tập sách nổi tiếng “Nam dược thần hiệu” và “Hồng nghĩa giác tư y thư”, là người đầu tiên đề cao tư tưởng “Thuốc Nam chữa người Nam việt” Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư là cuốn sách thuốc cổ nhất của ta.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác (1720 – 1791). Ông sinh ra tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương.

Ông là nhà Y học lớn, nhà Văn hóa lớn của nước ta, là tác giả của pho sách trứ danh Lãn Ông Tâm Lĩnh hay Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh. gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng.

Sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông đã góp phần to lớn xây dựng nền Y học dân tộc nước nhà, nên được suy tôn là Đại y tôn Việt Nam.

Giáo sư Hồ Đắc Di

Hồ Đắc Di (1900 –1984), sinh ra tại Hà Tĩnh, quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Ông còn là vị hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y Hà Nội của nước Việt Nam độc lập.

Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày-tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày- tá tràng gây ra.

Theo sử sách ngành Y Việt Nam ghi nhận, với 21 công trình hiện tìm được trong 37 công trình đã công bố. Ông là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng được hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là giáo sư người Việt đầu tiên.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909- 1968), sinh ra tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1928, ông là sinh viên Trường đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1934, tốt nghiệp Bác sĩ y khoa tại Pháp. Sau hai năm, ông trở về Sài Gòn, mở phòng khám và bệnh viện tư chuyên chữa bệnh lao và bệnh phổi.

Ông là người sáng lập Viện Chống lao Trung ương. Đã chỉ đạo nhiều công trình nghiên cứu về phòng lao (BCG chết), chữa lao (kích sinh chất filatop, subtilis) cũng như nhiều bệnh phổi (viêm phế quản mạn, bụi phổi, nấm phổi, kí sinh trùng phổi, vv.), đặt nền móng cho hình thành chuyên khoa lao và các bệnh phổi ở Việt Nam.

Ngày thầy thuốc thế giới là ngày nào?

Ngày thứ hai đầu tiên của tháng 10-1971 đánh dấu sự ra đời Tổ chức Nhân đạo y tế quốc tế, hay còn gọi là tổ chức “Bác sĩ không biên giới” nhằm trợ giúp nạn nhân thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh trên 80 quốc gia toàn cầu.

Kể từ đó, ngày thứ hai đầu tiên của tháng 10 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là “Ngày Thầy thuốc quốc tế.” Đây là ngày bày tỏ tình đoàn kết và các hoạt động hợp tác của tất cả bác sĩ trên khắp thế giới.

Các ngày lễ của ngành Y tế ở Việt Nam và Thế giới

  • Ngày lao thế giới (24/3)
  • Ngày sức khỏe thế giới (7/4)
  • Ngày sốt rét thế giới (25/4)
  • Tuần lễ tiêm chủng thế giới (24-30/4)
  • Ngày không thuốc lá thế giới (31/5)
  • Ngày hiến máu thế giới (14/6)
  • Ngày viêm gan thế giới (28/7)
  • Tuần lễ nhận thức kháng sinh thế giới (12-18/11)
  • Ngày AIDS thế giới (1/12)

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc ngày thầy thuốc Việt Nam là ngày nào để quý vị tham khảo. Một lần nữa xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế… đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chúc các y sĩ luôn khỏe mạnh và tìm ra được nhiều phương pháp chữa bệnh mới, hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm:

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.