Có một điều đặc biệt là, tại trung tâm thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận như tỉnh Nam Định, Hải Phòng… đều có tuyến phố mang tên Hoàng Ngân. Vậy đây là nhân vật nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn qua những thông tin dưới đây nhé.
Nội dung trong bài này
1. Phố Hoàng Ngân nằm ở đâu?
Tại Hà Nội, Phố Hoàng Ngân dài 1.200m, rộng 8m. Địa điểm phố Hoàng Ngân chính là đoạn phố Quan Nhân (số nhà 72) cắt qua đường Lê Văn Lương đến phố Hoàng Đạo Thúy.
2. Phố Hoàng Ngân được đặt bao giờ, dài và rộng như thế nào?
Tên phố Hoàng Ngân mới được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt tháng 12/2006, đoạn từ phố Hoàng Đạo Thúy đến đường Lê Văn Lương dài 900m. Đến tháng 7/2007 điều chỉnh điểm đầu nối dài thêm đoạn 300m từ số nhà 72 Quan Nhân cắt qua đường Lê Văn Lương gặp phố Hoàng Ngân.
Hiện nay, phố Hoàng Ngân thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
3. Tại sao lại đặt tên phố là Hoàng Ngân?
Không chỉ riêng thành phố Hà Nội, mà một số tỉnh thành lân cận khác như thành phố: Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh cũng có những tuyến phố mang tên Hoàng Ngân. Cùng lý giải vì sao cái tên ấy lại trở nên phổ biến như vậy nhé.
Hoàng Ngân (1921- 1949), tên thật là Phạm Thị Vân, bà chính là vợ của đồng chí cách mạng Hoàng Văn Thụ. Quê gốc của bà là xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nhưng cha bà rời Nam Định lên Hải Phòng lập nghiệp từ đầu thế kỷ 20.
Hoàng Ngân từng giữ chức Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đầu tiên, Chủ nhiệm đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam- một trong những người đi đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam.
3.1. Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam
Hoàng Ngân lớn lên trong lúc phong trào chống Pháp mạnh mẽ, nhất là thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939), các phong trào đòi dân sinh dân chủ diễn ra sôi nổi ở Hải Phòng, bà đã tham gia phong trào cách mạng của thành phố.
Năm 1938, Hoàng Ngân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Từ đó, bà đi hoạt động thoát ly gia đình. Bà lãnh trách nhiệm hoạt động xây dựng cơ sở quần chúng và là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng.
3.2. Một nữ chiến sĩ cách mạng anh dũng từng hai lần thoát ngục
Năm 1939, bà cùng hơn một vạn nhân dân thành phố Hải Phòng tập trung tại ngã tư phố Bắc Ninh sau đó kéo lên Tòa Đốc lý đấu tranh. Khi đoàn biểu tình đến sở Cẩm thì bị binh lính và cảnh sát đàn áp. Bà cùng Tô Hiệu và hàng trăm người khác bị bắt giữ.
Sau ba tháng bị giam giữ, được trả tự do Hoàng Ngân tiếp tục đi hoạt động cách mạng, phụ trách công tác vận động phụ nữ Hải Phòng và cũng từ đây bắt đầu sự nghiệp hoạt động cho phong trào phụ nữ Việt Nam.
Tháng 1 năm 1941, Hoàng Ngân bị địch bắt, kết án 12 năm tù và bị giam tại Hoả Lò (Hà Nội). Trong tù, Hoàng Ngân vẫn vận động anh chị em tù đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, chống đàn áp, khủng bố.
Năm 1945, bà được các đồng đội bên ngoài bố trí cho vượt ngục. Trở về, bà được giao làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, Thành ủy viên Đảng bộ thành phố Hà Nội.
3.3. Người đi đầu trong phong trào Phụ nữ Việt Nam
Năm 1946, Hoàng Ngân được Xứ ủy Bắc Kỳ cử làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hải Dương. Bà tích cực củng cố cơ sở, huấn luyện cán bộ và được đánh giá là địa phương có phong trào phụ nữ mạnh.
Đầu năm 1947, Hoàng Ngân được bầu vào Khu uỷ khu 3, phụ trách công tác dân vận và khu hội phụ nữ. Cuối năm đó, bà được cử làm Bí thư trung ương lâm thời Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam.
Trong Hội nghị cán bộ phụ vận toàn miền Bắc cuối năm 1947, bà được bầu làm Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc bộ.
3.4. Người sáng lập báo Phụ nữ Việt Nam
Năm 1948, bà đã sáng lập ra tờ báo Tiếng gọi phụ nữ, tiền thân của tờ Phụ nữ Việt Nam hiện nay. Bài xã luận đầu tiên của bà đăng trên trang 2 số báo đầu tiên trở thành bài viết nổi tiếng, đã gây được tiếng vang lớn đối với phụ nữ trong thời gian đó.
Do bệnh tật dày vò, ngày 17 tháng 7 năm 1949, sau một cơn đau nặng, Hoàng Ngân đã qua đời tại Việt Bắc khi mới 28 tuổi.
3.5. Người anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Là một trong những nữ chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường của Hội Phụ nữ. Sau khi Hoàng Ngân mất, ngọn đồi, nơi cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đặt trụ sở, được mang tên Hoàng Ngân.
Các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã tổ chức những đội du kích Hoàng Ngân. Tỉnh hội Hưng Yên lập một trường đào tạo cán bộ phụ nữ mang tên bà.
Hoàng Ngân được phong tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Bà được chôn cất tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sau này được đưa về nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, nơi chôn cất các nhân vật lãnh đạo cao cấp, về bên cạnh chồng bà là Hoàng Văn Thụ.
Ngày 3/3/2008, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Ngân theo Quyết định số 1481/2007/QĐ/CTN ngày 5 tháng 12 năm 2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân).
Ngày 22/4/2009, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức truy tặng danh hiệu Huân chương Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Hoàng Ngân.
Hoàng Ngân một chiến sĩ cách mạng- chủ nhiệm đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam, một trong những người đi đầu trong phong trào phụ nữ Việt Nam. Cả cuộc đời thanh xuân của bà dành cho cách mạng, cho kháng chiến.
Ngày nay tên tuổi của bà đã ghi dấu trên những con đường phố không chỉ riêng tại thủ đô Hà Nội, mà còn ở một số tỉnh thành lớn trên đất nước Việt Nam. Và đó cũng chính là một cách để nhà nước, nhân dân, những người đời sau ghi nhớ tới nữ chiến sĩ ấy.