Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Mai Động là vùng đất ven sông Kim Ngưu được nhắc đến bởi cái tên “ông tổ lò vật”. Vậy người đã khai sinh ra làng vật cổ truyền này là ai? cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tam Trinh là ai?

Sinh ra vào những năm đầu Công nguyên tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, Tam Trinh nổi tiếng khắp làng với thể hình to lớn, sức khỏe hơn người mà còn có đam mê võ thuật. Ngay từ khi con nhỏ, Tam Trinh đã cố gắng rèn luyện võ thuật trong làng để có thể phụng sự đất nước về sau.

Sau khi thành tài ở lò vật, với vốn chữ nghĩa của mình, Tam Trinh đã du hí ra Bắc để có thể ngắm nhìn đất nước. Điểm dừng chân cuối cùng của ông là tại hương Cổ Mai (trong đó có làng Mai Động ngày nay). Nơi đây cảnh đẹp, người dân hiền lành chân chất nhưng lại nghèo vì họ không có nghề gì ngoài cày cấy.

Nhìn thấy cảnh người dân khổ sở vậy ông cảm thấy không yên lòng. Ông đã dựng nhà bên sông Kim Ngưu rồi mở trường dạy văn dạy võ không công cho người dân địa phương. Thanh niên theo ông học rất đông. Không chỉ dạy văn và võ, ông còn dạy cho người dân cách làm đậu phụ, giúp cho cuộc sống họ đỡ cơ cực hơn.

Tam Trinh đã có những đóng góp gì trong công cuộc bảo vệ đất nước?

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng truyền hịch kêu gọi mọi người đứng lên bảo vệ đất nước trước giặc Tô Địch tàn ác. Tam Trinh liền triệu tập 3000 dân binh, trong đó rất nhiều binh sĩ là học trò của ông thẳng tiến ra Hát Môn ra mắt Hai Bà. Ông được giao tiến đánh Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) và cùng các cánh quân khác đã hạ được thành. Khi Hai Bà xưng vua, ông được phong tước hầu và giữ chức phụ chính.

Năm 43, vua Đông Hán lại một lần nữa tấn công Cổ Loa Thành. Do tấn công bất ngờ và thế giặc đông gấp bội lần trước, tướng Nguyễn Tam Trinh buộc phải rút quân về Mai Động đào hào đắp lũy chống giặc. Không lâu sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở Hát Môn, ông vẫn quyết tâm sống chết với giặc. Vào ngày 10 tháng 2 năm ấy, ông đã hy sinh.

Huyền thoại về ông tổ lò vật Tam Trinh được giữ gìn như thế nào và ở đâu?

Sau này, dân làng Mai Động đã lập đền và đình thờ, tôn Tam Trinh làm thành hoàng, tổ sư nghề vật. Hiện nay, Tam Trinh được thờ ở Đình Mai Động, nghè Mai Động, đình Mơ Táo…

Người truyền dạy nghề đầu tiên thì được tôn vinh là tổ nghề và được thờ phụng truyền đời. Ông tổ nghề vật Tam Trinh với ngôi đình Mai Động luôn được nhắc đến với vị trí đặc biệt. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật, di tích đình và nghề Mai Động, nơi thờ phụng vị tướng Nguyễn Tam Trinh đã được UBND quận Hoàng Mai tu bổ tôn tạo, hoàn thành dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Năm 2013, với sự quan tâm của Quận ủy – HĐND – UBND quận Hoàng Mai, lễ hội và giải vật truyền thống phường Mai Động được nâng lên thành lễ hội cấp quận.

Đền thờ Nguyễn Tam Trinh
Đền thờ Nguyễn Tam Trinh

Có thời, hội vật Mai Động được coi là lớn nhất miền Bắc, qua thời gian vẫn giữ được sức hấp dẫn riêng.

Tên ông cũng được đặt cho một đường phố ở khu vực này, dọc theo sông Kim Ngưu. Đường Tam Trinh dài 800m, từ cầu Mai Động (giao cắt với đường Minh Khai) về phía Lĩnh Nam. Đường này được đặt tên năm 1990 với tên là Nguyễn Tam Trinh, từ năm 1999 gọi là đường Tam Trinh.

Nhớ người anh hùng có công “Phù Trưng lập quốc”, vào ngày mùng 4 đến mùng 6 Tết hàng năm, Mai Động mở hội vật. Ngày 10 tháng 2 âm lịch (ngày hóa của Tam Trinh) lại tổ chức tế lễ tưởng niệm nhà giáo đầu tiên trong lịch sử dân tộc tham gia chống giặc ngoại xâm và là Tổ môn vật của nước ta.

Tam Trinh là người đã tạo ra một phần giá trị văn hóa Việt Nam, rèn cho đời sau lòng dũng cảm, niềm tự hào về ý chí kiên cường bảo vệ đất nước của cả dân tộc.

 

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.