“Ông hoàng thơ tình” người đã mang sự thiết tha, nồng cháy, khao khát mãnh liệt trong tình yêu đến với thi ca Việt Nam là ai? Cùng tìm hiểu về ông nhé.
Nội dung trong bài này
Xuân Diệu là ai?
Xuân Diệu (1916-1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha. Cha ông là Ngô Xuân Thọ, vốn quê ở xã Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ tú tài kép Hán học, vào Bình Định dạy học, lấy vợ là Nguyễn Thị Hiệp, sinh ra Xuân Diệu tại Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu thuở nhỏ sống ở quê mẹ, đến năm mười tuổi sống với cha.
Xuân Diệu trải qua quá trình đào tạo quy củ. Năm 1927, Xuân Diệu xuống học ở Quy Nhơn. Sau đó Xuân Diệu ra Huế học 1 năm (1936-1937) đến khi tốt nghiệp trường tú tài Khải Định. Năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940).
Cuối năm 1940, ông vào Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) làm viên chức (tham tá thương chánh), Năm 1942, ông quay lại Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Trong kháng chiến, Xuân Diệu di tản lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động văn nghệ cách mạng.
Xuân Diệu đã từng lập gia đình riêng một lần với NSND Bạch Diệp nhưng hai người đã ly dị và họ không có con chung. Sau khi ly dị, ông sống độc thân cho đến lúc mất vào năm 1985.
Sự nghiệp sáng tác thơ văn của Xuân Diệu như thế nào?
Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, ông hoàng của thơ tình.
Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào Thơ Mới. Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh.
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, đảng viên Việt Nam Dân chủ Đảng, sau tham gia Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc. Ông từng tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một “dòng thơ công dân”. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983).
Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.
Vì sao Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình?
Với Xuân Diệu, tình yêu được coi như một giá trị sống đích thực, tình yêu đáng được tôn thờ như một thứ tôn giáo và thi sĩ đã tin vào tình yêu với một niềm tin thiêng liêng nhất.
Xuân Diệu thấu hiểu sâu sắc tình yêu cần thiết cho cuộc sống con người đến nhường nào, con người chỉ có thể sống có ý nghĩa trong sự gắn bó với tình yêu. Và có lẽ thế nên suốt cuộc đời mình, thi sĩ đã luôn trong tâm thế đi tìm những cung bậc cảm xúc tình yêu, và thơ là nơi ông gửi gắm bao cung bậc của con tim luôn tha thiết yêu đương đến si mê, cuồng nhiệt.
Vì quan niệm yêu là nguồn sống nên hầu hết các bài thơ tình của Xuân Diệu như Hôn cái nhìn, Biển, Bóng đêm biếc, Bài thơ tuổi nhỏ, Vì sao, Yêu… đều cho thấy những cảm xúc trong ông luôn được đẩy đến tận cùng. Thi sĩ yêu cuộc sống đến cuống quýt “muốn ôm, muốn riết, muốn say…” (Vội vàng), và bởi thế nên ông như đắm chìm trong cõi yêu đương nồng nàn, cháy bỏng. Chính thi sĩ đã thừa nhận: Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì(Vì sao?). Ở đây, có thể coi sự “khờ khạo, ngu ngơ” của thi sĩ như một giá trị, một lối ứng xử văn hóa trong tình yêu. Nó chính là biểu hiện của những gì thanh khiết, chân thành, trong sáng, vô tư, phi vụ lợi của tình yêu đích thực.
Triết lý yêu của ông hoàng thơ tình là một trong những giá trị quan trọng làm nên sự bất tử của thơ Xuân Diệu. Bạn đọc nhớ đến Xuân Diệu sau 100 năm hay 1000 năm hoặc lâu hơn nữa phải chăng, cũng bắt đầu từ những bài thơ tình thấm đẫm triết lý yêu mang vẻ đẹp nhân sinh cao cả và đầy khao khát trần thế – những bài thơ dạt dào, tha thiết, êm đềm và sâu lắng, ru lòng người mãi mãi khôn nguôi.
Xuân Diệu là một tác giả lớn của nền văn học Việt Nam, một nhà thơ xuất sắc có đóng góp lớn vào quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Ông là con người toàn tâm, toàn trí, toàn hồn, nhiệt thành cống hiến sự sống cho thơ ca, chạy đua với thời gian để giành giật lấy từng phút giây của cuộc đời.