Rất nhiều người không biết Tôn Quang Phiệt là ai. Ông là thành viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử nước nhà.
Nội dung trong bài này
Tôn Quang Phiệt là ai?
Tôn Quang Phiệt sinh năm Canh Tý (1900) trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thân sinh Tôn Quang Phiệt là cử nhân Tôn Thúc Định (1870), làm nghề dạy học chữ Nho. Khi triều đình bỏ thi cử Hán học, cụ Định chuyển sang buôn gạo vài chuyến rồi làm gỗ trong rừng.
Tôn Quang Phiệt là con cháu của dòng họ Tôn Huy, một dòng họ vốn đã nổi tiếng khắp vùng về truyền thống hiếu học. Sớm chịu ảnh hưởng và tiếp thu tinh thần hiếu học, yêu nước của gia đình, quê hương cho nên ngay từ lúc còn là một cậu thiếu niên, ông đã nổi tiếng hiếu học, cương nghị và có chí khí.
Được gia đình cho vào học bậc Thành chung trong trường Quốc học Vinh, Tôn Quang Phiệt đã được các bạn đồng môn của ông xem người anh mẫu mực vì thái độ vui vẻ, chững chạc, tự trọng trong cách ứng xử với mọi người. Cũng ngay từ khi đó, ông đã sớm cùng với một số người bạn thân thiết của mình là Đặng Thai Mai, Nguyễn Sỹ Sách, Phạm Thiều tụ tập để luận đàm chính trị, bàn những chuyện quốc gia đại sự.
Ông mất đột ngột vào 1 tháng 12 năm 1973 trong một chuyến công tác tới Bắc Kinh, Trung Quốc, ở tuổi 73. Với nhiều đóng góp to lớn, Tôn Quang Phiệt đã được nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng. Hiện nay tên ông đã được đặt cho những con đường ở Huế, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hà Nội.
Quá trình hoạt động cách mạng của Tôn Quang Phiệt như thế nào?
Năm 1924, sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Vinh, ông đăng ký vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Tại đây, ông lại tập hợp những thanh niên cùng chí hướng thành lập nhóm Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt sau đổi thành Hội Hưng Nam, rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, cuối cùng là Đảng Tân Việt (1928), một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 6 năm 1926, ông cùng các hội viên Hội Phục Việt như Trần Phú, Vương Thúc Oánh, Hoàng Tùng… sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp các nhân vật trong Việt Nam Cách mạng đảng. Nhưng mới đến Móng Cái thì ông và Hoàng Tùng bị mật thám Pháp bắt, sau đó bị đem về giam tại Hà Nội. Sau một thời gian, không đủ chứng buộc tội, ông được tự do, tiếp tục bí mật hoạt động và dạy tại Trường trung học tư thục Thăng Long.
Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, ông lại bị bắt, bị Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 7 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc và đày đi Buôn Ma Thuột. Trong tù, ông cùng anh em tù chính trị sáng tác thơ văn làm vũ khí đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc.
Như vậy, trong một thời gian rất ngắn, từ chỗ yêu nước thiết tha, hoạt động ban đầu với vũ khí là chủ nghĩa yêu nước chân chính, ông đã dần dần giác ngộ và trở thành một chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng đội ngũ những người vô sản.
Ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp năm 1934, lại bị kẻ thù quản thúc ở quê nhà, ông vẫn không từ bỏ con đường cách mạng mà xin vào dạy học trong trường tư thục ở Vinh một thời gian để che mắt địch và tìm cách liên lạc với tổ chức của Đảng, rồi sau đó vài tuần ông vào Huế xin mở Trường tư thục Thuận Hoá để dạy học và tìm cách liên lạc với phong trào cách mạng.
Tại đây, ông đã nhanh chóng liên lạc được với các tổ chức và phong trào cách mạng, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và hoạt động trong phong trào Đại hội Đông Dương, tham gia Mặt trận dân chủ. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời Thừa Thiên – Huế.
Đóng góp gì cho nền văn hóa và lịch sử Việt Nam?
Từ sau Cách mạng tháng Tám, Tôn Quang Phiệt đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử cận đại của nước nhà.
Năm 1948, ông viết cuốn sách “Lịch sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc” (1882-1945), lên án chính sách xâm lược và cai trị của chủ nghĩa tư bản Pháp, đồng thời tỏ thái độ tức giận trước sự đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn, ca ngợi ý chí và tinh thần quật cường của nhân dân ta trong các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1950, để tuyên truyền, chứng minh cho đường lối “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của Đảng và Bác Hồ đề ra, Tôn Quang Phiệt đã viết và cho xuất bản cuốn sách “Trên đường tranh đấu của nhân dân Việt Nam”. Ông đã dùng phương pháp chứng minh bằng lịch sử đấu tranh của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử giữ nước và phân tích cuộc kháng chiến chống Pháp là phải trường kỳ thì thắng lợi nhất định sẽ đạt được, nhân dân các dân tộc Việt Nam sẽ ca khúc khải hoàn vì có chính nghĩa.
Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông đã tham gia Ban nghiên cứu Sử – Địa và có nhiều công trình nghiên cứu về các nhà yêu nước và cách mạng. Năm 1958, ông cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam”. Đây là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu và giới thiệu kỹ lưỡng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Bội Châu.
Trên lĩnh vực thơ ca, Tôn Quang Phiệt là tác giả của một số tác phẩm như: “Thanh khí tương cầu”, truyện thơ “Khách không nhà”, tiểu phẩm “Bẻ nạng chống trời”, “Duyên nợ bên hồ”, “Một ngày ngàn thu”. Vì thế, có người ca ngợi ông là đã để lại non sông một mối tình.
Tôn Quang Phiệt đã đi từ một người hoạt động chính trị – xã hội đến với sự nghiệp trồng người, rồi từ sự nghiệp giáo dục đi vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học lịch sử và văn hoá. Đó là một người con đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.