Bình Tây Đại Nguyên Soái là người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp 1858. Đọc để hiểu rõ hơn ông là ai và những đóng góp của ông với nước nhà.
Nội dung trong bài này
1. Bình Tây Đại Nguyên Soái là ai?
Bình Tây đại Nguyên soái là Trương Định, ông là vị thủ lĩnh vĩ đại thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta.
Trương Định còn có tên là Trương Công Định, ông sinh năm 1820 ở phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Trương Định sống ở quê hương Quảng Ngãi cho đến năm 24 tuổi mới theo cha là Trương Cầm- người giữ chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định (thời vua Thiệu Trị).
Trương Định là người chí dũng song toàn. Sau khi cha ông mất, ông ở lại nơi cha đóng quân. Sau đó, ông kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông ngày nay).
Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, ông đã đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập lập ấp ở Gò Công, Gia Định. Với công lao đó, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên dân chúng còn gọi ông là Quản Định. Năm 1854, trong thời gian khẩn hoang Trương Định đã gặp và cưới bà Trần Thị Sanh – là anh em con cô con cậu với bà Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức).
2. Trương Định trở thành thủ lĩnh chống Pháp khi nào?
Năm 1859, khi Pháp đưa quân chiếm thành Gia Định, Trương Định đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều để ngăn chặn. Năm 1860, dưới quyền của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Định tham gia giữ đồn Kỳ Hoà, được triều đình phong chức Phó lãnh binh. Sau khi đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông cùng nghĩa quân rút về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp. Trương Định đã tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho Pháp bị tổn thất lực lượng rất nhiều.
Sau khi ký hoà ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cắt 03 tỉnh miền Đông Nam Kỳ giao cho Pháp. Triều đình vừa phong ông chức Lãnh binh, vừa buộc ông phải chuyển đi nhậm chức ở An Giang và giải tán nghĩa quân chống Pháp. Trước sự nhu nhược của Tự Đức, Trương Định cương quyết chống lại lệnh của triều đình, ở lại Gò Công, Mỹ Tho tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân và cùng nhân dân chống Pháp.
Nghĩa quân và nhân dân tôn Trương Định làm Bình Tây đại Nguyên soái. Ông là người thương dân chân thành và yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết tâm chống giặc Pháp xâm lược đến cùng. Trương Định từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước”.
Trong tuyên ngôn công bố với triều đình và nhân dân, Trương Định thể hiện lập trường và quyết tâm chống Pháp, bảo vệ đất nước của người thủ lĩnh nghĩa quân và của nhân dân Việt Nam. Lúc này, lực lượng nghĩa quân của Trương Định lên đến gần 6.000 người. Ông được những người chủ chiến ở triều đình, cũng như các nhân sĩ và nhân dân ủng hộ.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị, cùng nhiều danh sĩ ở Nam Kỳ nhiệt tình ủng hộ Trương Định trong công cuộc chống Pháp. Trương Định đã liên kết được với các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đỗ Đình Thoại… cùng phối hợp tổ chức các trận đánh Pháp. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định mở rộng từ Gò Công đến Chợ Lớn, Gia Định, từ biển đông đến biên giới Campuchia.
Ngày 26/02/1863, Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ nghĩa quân. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Trương Định buộc phải rút quân về Biên Hoà lập căn cứ ở Lý Nhơn và đưa một bộ phận nghĩa quân về Thủ Dầu Một – Tây Ninh để tiếp tục chiến đấu.
3. Trương Định mất khi nào?
Cuối năm 1864, trong một trận chiến tại căn cứ Tân Hoà, ông rơi vào vòng vây của quân Pháp. Do sự phản bội của Huỳnh Tấn, tên này trước kia từng theo ông chống Pháp đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến về làm tay sai cho Pháp.
Trương Định và lực lượng nghĩa quân quyết tử chiến với giặc. Trong lúc chiến đấu, không may ông bị đạn bắn gãy xương sống. Không để rơi vào tay giặc, Trương Định rút gươm tự sát vào rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864. Khi ấy, ông 44 tuổi.
Cái chết của Trương Định là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân ta lúc bấy giờ. Thương tiếc người anh hùng dân tộc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài văn tế khóc người anh hùng:
“Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt,
thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê
Cảm niềm thần tử, hết lòng trung ái
Xưa còn làm tướng, giốc rạng ngời hai chữ Bình Tây
Nay thác theo thần, xin dựng hộ một câu phúc thán….”
Cuộc khởi nghĩa chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược của Trương Định chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1859 đến 1864 đã trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta. Và, Trương Định đã trở thành người thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống giặc Pháp xâm lược.
4. Lăng mộ và đền Trương Định nằm ở đâu?
Sau khi Trương Định mất vào ngày 20/8/1864, bà Trần Thị Sanh là người vợ thứ của Trương Định và nhân dân mang Ông về an táng rất trọng thể, tại một địa điểm thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Mộ Trương Định ban đầu (1864) được làm bằng hồ ô dước và trên bia đá có khắc mấy chữ: “Đại Nam – An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương công húy Định chi mộ”. Nhà cầm quyền Pháp bắt đục bỏ dòng chữ Bình “Tây Đại tướng quân” và yêu cầu bà Sanh 10.000 quan tiền vì tội lập bia trái phép.
Năm 1874, bà Sanh làm đơn xin tu sửa mộ cho chồng. Lần này mộ Trương Định được xây bằng đá hoa cương, có 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị Pháp ra lệnh đục bỏ…
Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh cho biết: “Trải nhiều năm Pháp thuộc, mộ Trương Định trở thành hoang phế. Sau có bà Huỳnh Thị Điệu, còn gọi là bà Phủ Hải, cho sửa chữa lại. Năm 1956, được sửa sang lần nữa”
Từ năm 1972 đến năm 1973 xây thêm đền thờ. Lăng mộ và đền thờ Trương Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia ngày 6 tháng 12 năm 1989.
Lễ hội tưởng niệm ông diễn ra tại đây các ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch hàng năm. Trương Định cũng được hậu thế tôn vinh tại di tích nhà thờ họ Trương Việt Nam thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Đền Trương là nơi thờ những người họ Trương nổi tiếng có công trong lịch sử đã khuất.
Ngoài mộ và đền thờ tại thị xã Gò Công, nhân dân còn lập một đền thờ và dựng tượng Trương Định tại xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông, nơi được gọi là “Đám lá tối trời” mà Trương Định và nghĩa quân từng làm căn cứ chống Pháp để thờ. Hàng năm vào hai ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch, Gò Công đều tổ chức lễ hội Văn hóa anh hùng Trương Định với mục đích hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của tiền nhân đối với dân tộc và đất nước.
Đối với nhân dân Gò Công nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung thì Trương Định là người anh hùng dân tộc sẽ mãi mãi được các thế hệ sau khắc ghi.
Để ghi nhớ công ơn của ngài Nhà nước đã đặt tên một con phố tại Hà Nội mang tên Trương Định.