Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Có một điều đặc biệt là tại Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận như tỉnh Nam Định, Hải Phòng… đều có tuyến phố mang tên Hoàng Ngân. Vậy bà Hoàng Ngân là ai?

Bà Hoàng Ngân là ai?

Hoàng Ngân (1921- 1949), tên thật là Phạm Thị Vân, là Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đầu tiên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam, một trong những người đi đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam, vợ của đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Hoàng Ngân quê gốc tại thôn Vũ Lao Thượng (Tân Thành ngày nay), xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Bà sinh trong một gia đình tiểu thương ở phố Chavassieux (phố Quang Trung ngày nay) thành phố Hải Phòng. Cha bà là ông Phạm Trung Long rời Nam Định lên Hải Phòng lập nghiệp từ đầu thế kỷ 20.

Quá trình hoạt động cách mạng của Hoàng Ngân ra sao?

Hoàng Ngân lớn lên trong lúc phong trào chống Pháp mạnh mẽ, nhất là thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939), các phong trào đòi dân sinh dân chủ diễn ra sôi nổi ở Hải Phòng. Ảnh hưởng từ hoạt động của các tổ chức ái hữu, nghiệp đoàn của công nhân học sinh, tiểu thương, trí thức… và sách báo của Đảng cộng sản được lưu hành công khai, bà đã tham gia phong trào cách mạng của thành phố.

Năm 1938, Hoàng Ngân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Từ đó, bà đi hoạt động thoát ly gia đình. Bà lãnh trách nhiệm hoạt động xây dựng cơ sở quần chúng và là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng.

Năm 1939, sau ba tháng bị giam giữ Hoàng Ngân được trả tự do, bà tiếp tục đi hoạt động cách mạng, được giao phụ trách công tác vận động phụ nữ Hải Phòng và cũng từ đây bắt đầu sự nghiệp hoạt động cho phong trào phụ nữ Việt Nam.

Trong những năm 1940-1941, Hoàng Ngân làm liên lạc cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Đông Dương là Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ. Sau đó Xứ uỷ điều bà về phụ trách công tác phụ nữ ở tỉnh Hà Đông, rồi tỉnh Sơn Tây. Hoàng Ngân tham gia Ban thường vụ Hội phụ nữ giải phóng Bắc Kỳ.

Tháng 1 năm 1941, Hoàng Ngân bị bắt và kết án 12 năm tù và bị giam tại Hoả Lò (Hà Nội). Ngày 9 tháng 3 năm 1945, bà được các đồng đội bên ngoài bố trí cho vượt ngục. Trở về, bà được giao làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, Thành ủy viên Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Năm 1946 làm Bí thư phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hải Dương. Đầu năm 1947 bà là Khu ủy viên khu III và là Hội trưởng phụ nữ Cứu quốc khu. Cuối năm 1947 – 1949 bà giữ các chức vụ như: Bí thư phụ nữ Cứu quốc Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn phụ nữ TW. Ngày 17/7/1949 trên đường đi dự hội nghị phụ nữ tại Trung Quốc về bà đã bị địch phục kích và hy sinh.

Vai trò của Hoàng Ngân với tờ báo Phụ nữ Việt Nam là gì?

Theo lời kể của nhà văn Nguyệt Tú:

“Ngày 8/3/1947, cơ quan Phụ nữ Trung ương đóng tại chiến khu Việt Bắc làm tờ báo tay của mình. Báo có truyện ngắn, ca dao, tiểu phẩm, tin hoạt động của Hội, những hình vẽ sinh hoạt của cơ quan… Trang trí báo, màu vàng tô bằng nghệ, màu đỏ tô bằng thuốc mercure chromen. Cách chỗ chúng tôi ở chừng 2km là lán ở của bác Hồ. Thỉnh thoảng chúng tôi được Bác gọi lên dự họp. Tờ báo tay của chúng tôi được đưa lên bác xem. Nhiều lần bác nhắc “Phụ nữ nên ra một tờ báo riêng”. Ý bác rất hợp với nguyện vọng của chúng tôi. Đến giữa năm 1948, chị Hoàng Ngân, Hội trưởng Phụ nữ Liên khu Ba về thay chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng lãnh đạo cơ quan Phụ nữ. Lúc này mới bàn được chuyện ra tờ báo. Với quyết tâm của chị Hoàng Ngân, chị Bội Hoàn (tức Tâm Kính) được cử làm thư ký tòa soạn. Ban Biên tập gồm các chị Bội Hoàn, Anh Thơ, Thanh Thuỷ, Tâm Trung và tôi”.

Đúng ngày 19/8/1948 tờ báo Phụ nữ Việt Nam số một ra đời. Tờ báo in tipô, khổ nhỏ. Báo chỉ có 6 trang. Giấy báo đen xấu nhưng in chữ rất rõ nét. Trang đầu đăng bức thư viết tay của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội phụ nữ. Bác động viên phong trào phụ nữ cả nước tham gia kháng chiến chống Pháp và sản xuất ở hậu phương. Trang sau in bài xã luận của chị Hoàng Ngân.”

Như vậy, Hoàng Ngân chính là người đã có công sáng lập ra tờ báo Tiếng gọi phụ nữ, tiền thân của tờ Phụ nữ Việt Nam hiện nay. Đặc biệt bài xã luận của bà đã gây được tiếng vang lớn trong thời gian đó.

Những danh hiệu Hoàng Ngân được phong tặng là gì?

Là một trong những nữ chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường của Hội Phụ nữ. Sau khi Hoàng Ngân mất, ngọn đồi, nơi cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đặt trụ sở, được mang tên Hoàng Ngân. Các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã tổ chức những đội du kích Hoàng Ngân. Tỉnh hội Hưng Yên lập một trường đào tạo cán bộ phụ nữ mang tên bà.

Hoàng Ngân được phong tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Bà được chôn cất tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sau này được đưa về nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, nơi chôn cất các nhân vật lãnh đạo cao cấp, về bên cạnh chồng bà là Hoàng Văn Thụ.

Ngày 3/3/2008, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Ngân theo Quyết định số 1481/2007/QĐ/CTN ngày 5 tháng 12 năm 2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân).

Ngày 22/4/2009, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức truy tặng danh hiệu Huân chương Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Hoàng Ngân.

Hiện nay, tại các thành phố: Nam Định – quê hương bà, Hải Phòng – nơi bà sinh và trưởng thành, Thái Nguyên – nơi bà mất và Hà Nội đều có phố mang tên Hoàng Ngân. Tháng 10- 2017 tên bà được đặt cho đường 41 , P16 Q8 , Tp. Hồ Chí Minh .

Tại Hà Nội, Phố Hoàng Ngân dài 1.200m, rộng 8m. Địa điểm là đoạn phố Quan Nhân (số nhà 72) cắt qua đường Lê Văn Lương đến phố Hoàng Đạo Thúy. Tên phố mới đặt tháng 12/2006, phố Hoàng Ngân nay thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.

Hoàng Ngân một chiến sĩ cách mạng – chủ nhiệm đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam, một trong những người đi đầu trong phong trào phụ nữ Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Cả cuộc đời thanh xuân của bà dành cho cách mạng, cho kháng chiến, ngày nay tên tuổi của bà đã ghi dấu trên những con đường phố. Và đó cũng chính là một cách để người đời sau ghi nhớ tới nữ chiến sĩ ấy.

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.