Trong lịch sử Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều người không biết đến nhân vật lịch sử có công tạo cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt sau hơn 1000 năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ. Vậy trong bài viết này, mời các bạn cùng tìm hiểu điều này nhé.
Nội dung trong bài này
Người đặt cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt sau hơn 1000 năm Bắc thuộc là ai?
Khúc Thừa Dụ (? – 907) còn được suy tôn là Khúc Tiên Chủ. Ông chính là người đặt cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt sau hơn 1.000 năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ.
Khúc Thừa Dụ quê ở Hồng Châu, thuộc địa hạt Bàng Giang, Ninh Giang cũ ở Hải Dương, mấy đời là hào tộc mạnh, tính khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính phục.
Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 5) viết: “Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ…”
Khúc Thừa Dụ gây dựng nền độc lập như thế nào?
Nước Việt thời bấy giờ bị chính quyền nhà Đường Trung Quốc đô hộ. Năm Kỷ Mão (679) vua Cao Tông nhà Đường chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 59 huyện và đặt An Nam đô hộ phủ.
Ở nước Việt, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ vốn là một người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính phục. Năm Bính Dần (906) nhân khi trong châu có loạn, dân chúng cử ông làm Tiết độ sứ để cai trị Giao Châu.
Khúc Thừa Dụ dựng đô ở La Thành, làm cho dân yên, nước trị. Mở đầu chính sách ngoại giao khôn khéo trong ứng xử với triều đình phong kiến phương Bắc: “độc lập thật sự, thần thuộc trên danh nghĩa”, Khúc Thừa Dụ, sau khi đã nắm được quyền lực thực tế trên miền đất “An Nam” cũ trong tay, vẫn giữ danh nghĩa “xin mệnh nhà Đường” buộc triều đình nhà Đường phải công nhận sự đã rồi.
Ngày 7-2-906 vua Đường ban thêm cho Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ tước “Đồng bình chương sự”. Sau đó, Khúc Thừa Dụ tự lấy quyền mình, phong cho con là Khúc Hạo chức vụ: “Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu”, tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ kế vị quyền Tiết độ sứ.
Tuy còn mang danh hiệu một chức quan của nhà Đường, về thực chất, Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một chính quyền tự chủ bãi bỏ quan lại chế độ cũ kết thúc về cơ bản ách thống trị hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc. Lịch sử ghi nhớ công lao của Khúc Thừa Dụ như là một trong những người đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc. Ngày 23-7-907, Khúc Thừa Dụ mất. Mặc nhiên con và cháu ông là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ tiếp tục nối nghiệp cha ông, có công củng cố độc lập, thực hiện quản lý chính quyền đến cấp làng, xã.
Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở đâu?
Đền thờ Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, là một danh lam thắng cảnh đẹp của xã Kiến Quốc cũng như tỉnh Hải Dương. Nằm giáp đê sông Luộc, quần thể di tích Đền thờ Khúc Thừa Dụ đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, biểu tượng đẹp về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất. Ðể tưởng nhớ công lao Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, người dân trong vùng Hồng Châu đã đóng góp xây dựng đình làng Cúc Bồ trên một khoảng đất rộng ở phía nam của làng, cách đê sông Luộc chừng 300 m. Năm 2005, tỉnh Hải Dương khởi công xây dựng đền Cúc Bồ thờ ba vị Anh hùng họ Khúc là: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, ngay cạnh đình cổ làng Cúc Bồ. Công trình có tổng diện tích hơn 57.000 m2, sử dụng ba loại vật liệu chủ yếu là: Ðá xanh, gỗ lim và đồng. Đền thờ có kiến trúc độc đáo, bao gồm nhiều công trình văn hóa nghệ thuật như: Tam quan, Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hai bên có nhà Tả vu, Hữu vu, giếng mắt rồng, phù điêu đá, tượng Linh thú, hồ sen, cầu đá, tứ trụ… Tất cả được xây dựng theo kiến trúc truyền thống.
Vẻ đẹp và hoành tráng của khuôn viên di tích là sự phản ánh đúng tầm vóc của một con người có công lao dựng nền tự chủ đầu tiên của nước nhà. Trung tâm của đền Khúc Thừa Dụ, được gọi là Thượng điện. Tại đây, các ban thờ được bố trí theo những quy định chuẩn mực và có nội dung ý nghĩa sâu sắc. Ban công đồng đặt chính giữa, có đặt bức hoành phi 4 chữ ghi là: “Thiên Nam Chính Khí”: dịch nghĩa là Họ Khúc là chính nghĩa trời Nam. Và hai bên là ban thờ “Lưỡng ban”, có 2 hoành phi: bên phải “Hồng Châu anh kiệt”, dịch nghĩa là: Bậc anh hùng, hào kiệt đất Hồng Châu. Bên trái “Hùng Phong do tại”: dịch nghĩa là: Phong thái anh hùng như còn đây.
Tại đền Khúc Thừa Dụ còn có những bức tranh nghệ thuật có tên là “Khúc hoan ca”, mô tả cảnh thái bình, cuộc sống yên vui của cư dân dưới nền tự chủ đầu tiên; bên cạnh đó là cảnh “tụ nghĩa”, rèn quân sỹ. Nội dung mà bức tranh này chuyển tải chính là sự thể hiện cho tinh thần thượng võ, ước vọng hòa bình, ổn định phồn vinh của dân tộc Việt Nam.
Tại khu cung điện của đền, có 3 pho tượng đồng lớn: tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đặt giữa, tượng chúa Khúc Hạo bên phải, và bên trái là tượng Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ. Tượng Tiên chúa Khúc Thừa Dụ với thanh gươm cầm trên tay thể hiện cho uy quyền và tài trí “Đức trùm thiên hạ”.. là một pho tượng có chiều sâu về thần thái, thể hiện sắc thái của một vị đế vương, có dung mạo uy nghi, khí tiết hơn người.
Đặc biệt, sự kiện sáng 26/1, UBND quận Cầu Giấy- thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ công bố quyết định đặt tên và gắn biển tên cho những tuyến phố mới trong số đó là tuyến phố Khúc Thừa Dụ. Phố Khúc Thừa Dụ dài 675m. Tuyến phố mời này nằm ở đoạn từ ngã ba giao cắt đường Cầu Giấy tại số 299, đến ngã ba giao cắt phố Thành Thái tại điểm đối diện Công viên Cầu Giấy. Việc đặt tên tuyến phố mới mang tên những danh nhân đã thể hiện vai trò của chính quyền và nhân dân trong công tác quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam ngày nay.
Khám phá những thông tin trên thật sự là bổ ích phải không bạn? Hy vọng nó đã cung cấp cho bạn những kiến thức về lịch sử. Hãy dành thời gian cho nó bạn nhé.