Không chỉ riêng ở Hà Nội mà ở các tỉnh thành lớn khác như Huế, TP Hồ Chí Minh đều có tuyến phố mang tên Đặng Văn Ngữ. Vậy nhân vật này là ai, ông có những đóng góp nổi bật gì đối với đất nước?
Nội dung trong bài này
1. Phố Đặng Văn Ngữ ở đâu?
Phố Đặng Văn Ngữ là một trong những tuyến phố nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Từ phố Phạm Ngọc Thạch, đi ngược theo bờ đông sông Lừ đến hồ Xã Đàn ngoặt về phía Đông đến hết khu Ngoại giao đoàn.
Trước đó là đường nội bộ khu tập thể Trung Tự. Khu tập thể này nguyên là cánh đồng làng Trung Tự nên phố Đặng Văn Ngữ cũng là đất làng Trung Tự cũ. Hiện nay, phố này thuộc hai phường Trung Tự và Phương Liên, quận Đống Đa.
2. Phố Đặng Văn Ngữ được đặt tên khi nào, phố dài và rộng bao nhiêu?
Tên phố Đặng Văn Ngữ được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt năm 1995. Phố có chiều dài 700m, chiều rộng 6m.
3. Vì sao Đặng Văn Ngữ lại được lựa chọn để đặt tên cho đường phố ở Hà Nội?
3.1. Người nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh penicillin và thành lập Đại học Y Hà Nội ở Việt Nam
Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967) quê ở làng An Cựu, ngoại thành kinh đô Huế là một giáo sư, bác sĩ y khoa nổi tiếng của nền y học hiện đại Việt Nam. Người đã nghiên và sản xuất thành công thuốc kháng sinh penicillin góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.
Đặng Văn Ngữ học tiểu học ở Vinh, trung học tại Huế, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp và học tiếp tại Hà Nội. Năm 1930, ông đỗ tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, và nhận được học bổng tiếp tục theo học tại Trường Y- Dược thuộc đại học Đông Dương.
Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho giáo sư Henry Galliard- Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y- Dược lúc đó.
Năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật với tiêu chuẩn “là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền y học của Pháp tại Việt Nam”. Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo.
Ở Nhật Bản, năm 1945, Đặng Văn Ngữ đã tìm được một giống nấm tiết ra penicillin. Năm 1948, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông về nước tham gia kháng chiến có mặt ở chiến khu Việt Bắc và ống giống nấm penicillium với một tấm lòng, một trí tuệ sẵn sàng hiến dâng cho cuộc kháng chiến thắng lợi.
Cùng tìm hiểu rõ hơn về bác sĩ Đặng Văn Ngữ qua bài viết: Người bào chế thành công thuốc kháng sinh penicillin ở Việt Nam là ai?
Tại Chiến khu Việt Bắc, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã cùng các bác sĩ Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến (nay là Đại học Y Hà Nội). Lúc bấy giờ, do hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, thuốc men dành cho điều trị, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh hết sức cần thiết, nhưng cũng đặc biệt khan hiếm.
Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, từ một phòng thí nghiệm nghèo nàn đơn sơ bằng tre, nứa, lá giữa núi rừng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc Pê-ni-xi-lin (loại kháng sinh đóng vai trò to lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn) được chế từ giống nấm ông đem về từ Nhật Bản.
Việc sản xuất được “nước lọc Pê-ni-xi-lin” của bác sĩ Đặng Văn Ngữ có ý nghĩa đặc biệt lớn lao, nhờ đó mà 80% thương binh không bị cưa chân tay, có thể trở về đơn vị chiến đấu. Thành công đó góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
3.2. Người sáng lập ra Viện sốt rét- Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam
Ông là bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Không những thế, ông còn chính là người đã sáng lập ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam, và làm Viện trưởng đầu tiên của viện này.
Năm 1936, ông đã phát hiện ra loài sán Clonorchis sinensis có thể ký sinh ở tụy; phát hiện này đã gây một tiếng vang lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Vượt qua các nhà khoa học người Pháp nghiên cứu trước, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã dành nhiều công sức điều tra về phân bố, sinh thái, sự gây bệnh của các loài ký sinh .
Ông đã phát hiện ra loại muỗi chưa từng biết và đặt tên là “muỗi A-nô-phen Bắc Kỳ”. Hoặc khi điều tra về nấm, ông đã phát hiện giống Piedra hortai ở Việt Nam, mà trước đó người Pháp nghĩ rằng chỉ có ở châu Phi.
Hòa bình lập lại, ông là người xây dựng ngành Ký sinh trùng học Việt Nam, từ đào tạo cán bộ đến xây dựng các mạng lưới có hệ thống. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng, là Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc.
Trên cương vị là một giáo sư- bác sĩ Đặng Văn Ngữ cùng các đồng nghiệp và học trò đã đến nhiều địa phương, mang theo kính hiển vi, bình bơm, túi thuốc, hóa chất… với lòng quyết tâm xóa sạch bệnh sốt rét. Năm 1964, ông đã tìm ra muỗi An.sinensis – thủ phạm chính gây bệnh sốt rét tại đây và triển khai các phương pháp phòng, diệt.
Tại Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh…, các phương pháp diệt muỗi phòng dịch sốt rét, phun DDT, hun khói 10 loại thảo mộc đã được ông và đồng sự thử nghiệm và triển khai thành công.
Ông nhanh chóng nhận ra rằng nếu không ngăn chặn bệnh sốt rét từ bên kia vĩ tuyến 17 thì không thể giữ được thành quả của công cuộc chống sốt rét tại miền Bắc. Lần này, nhà khoa học cùng một số học trò – đồng sự “đi B” với mục đích hạn chế sự hoành hành của dịch sốt rét đang phổ biến trên các chiến trường Trung, Nam bộ.
Việc này làm giảm thiểu tổn thất về sức lực và sinh mạng vì sốt rét cho bộ đội và thanh niên xung phong; trước mắt, nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét tại chỗ, tìm hiểu khả năng sản xuất vaccine chống căn bệnh quái ác này.
Chuyến vượt Trường Sơn để tới chiến trường Trung, Nam Bộ là hành trình cuối cùng của nhà giáo, nhà khoa học yêu nước Đặng Văn Ngữ. Chiều 1/4/1967, giáo sư Đặng Văn Ngữ hy sinh sau loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên – Huế, quê hương ông.
Viết về giáo sư Đặng Văn Ngữ và những đóng góp to lớn của ông cho ngành Y học Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “… Đặng Văn Ngữ và các đồng nghiệp của mình đã hy sinh bởi một cuộc ném bom B52 rải thảm của kẻ thù ngày 1/4/1967.
Bấy giờ, Đặng Văn Ngữ mới 57 tuổi, đang tuổi sung sức đối với người nghiên cứu khoa học tràn đầy nhiệt huyết vì một chí hướng cao đẹp. Chính vì vậy mà niềm đau thương của chúng ta biết bao sâu nặng, không bao giờ nguôi. Tôi viết dòng này lòng nặng trĩu thương nhớ khâm phục, luyến tiếc và mến yêu”.
Năm 1955, ông là một trong 45 vị Giáo sư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho thành tựu quan trọng ông đã đóng góp cho đất nước.
Không chỉ có bác sĩ Đặng Văn Ngữ mà bác sĩ Y – éc – xanh cũng là người có cống hiến rất nhiều cho dân tộc Việt Nam.
Đến năm 1996, Giáo sư Đặng Văn ngữ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Để khắc ghi sự đóng góp của ông đối với nền y học Việt Nam, Nhà nước, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định chọn tên ông đặt cho con đường tại 3 địa danh lớn là thủ đô Hà Nội, quê hương ông là Huế và thành phố Hồ Chí Minh.
Những con đường mang tên ông sẽ trường tồn mãi cùng đất nước cũng như những đóng góp của ông sẽ mãi mãi được nhân dân Việt Nam ghi nhận và trân trọng.