Triều đại Trần có rất nhiều danh tướng nổi tiếng bởi tài cầm quân mưu lược. Một số danh tướng họ Trần đã được đặt tên cho các con phố Hà Nội hiện nay.
Nội dung trong bài này
Đường Trần Hưng Đạo
Đường Trần Hưng Đạo có chiều dài hơn 2km, được bắt đầu từ đường Trần Khánh Dư tới phố Lê Duẩn trước cửa ga Hà Nội, cắt ngang qua ngã sáu vườn hoa Bình Than, các phố Quang Trung, Phan Huy Chú, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Hàng Bài, Bà Triệu, Quang Trung, Quảng trường 1-5, trước Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô.
Đường mang tên vị danh tướng lừng lẫy Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân ta vẫn thường quen gọi ông là Trần Hưng Đạo. Ông là con trai thứ 3 của An sinh vương Trần Liễu- anh cả của Trần Thái Tông Trần Cảnh. Đây là vị anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự, ông có công lớn trong lịch sử đã 3 lần đánh thắng Nguyên Mông, tác giả của cuốn “Binh thư yếu lược”, và lời hịch khích lệ tinh thần yêu nước vang dội một thời kỳ lịch sử “Hịch tướng sĩ”.
Con phố này đã trải qua nhiều lần đổi tên với các tên gọi khác nhau: Thời Pháp thuộc nó có tên là đại lộ Găm-bét-ta (boulevard Gambetta) năm 1945 đổi tên thành phố Trần Hưng Đạo, năm 1949 đổi thành Đại lộ Trần Hưng Đạo và tên gọi phố Trần Hưng Đạo như ngày nay là được chính thức đổi vào năm 1954.
Phố Trần Hưng Đạo cũng còn nhiều di tích lịch sử như: “Quảng trường 1/5” (trước là Nhà Đấu Xảo) nơi nổ ra cuộc mít tinh khổng lồ chiều 1/5/1938, kỷ niệm ngày Quốc tế lao động của thợ thuyền Hà Nội chống Thực dân Pháp. Ngôi nhà 101 là nơi họp của Ủy ban khởi nghĩa lập kế hoạch tổ chức Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. Nhà Đấu Xảo xưa là nơi tổ chức hội chợ, năm 1954 được xây dựng thành Nhà hát nhân dân ngoài trời cho đến 1970, Công đoàn Liên Xô cũ viện trợ xây dựng “Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt – Xô”. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa của cả nước.
Đường phố Trần Hưng Đạo dài, rộng, thông thoáng, không bị ùn tắc giao thông kể cả giờ cao điểm, có nhiều trụ sở của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến Hà Nội: Cơ quan Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Sở Công an Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính… đều rất khang trang, hoành tráng, hiện đại, xứng tầm thời kinh tế hội nhập.
Đường Trần Quốc Toản
Con phố này được bắt đầu từ phố Huế đến phố Yết Kiêu, cắt ngang qua các phố Bà Triệu, Trương Hán Siêu, Quang Trung, Liên Trì, Trần Bình Trọng. Nay thuộc các phường Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Trần Quốc Toản hay còn gọi là Hoài Văn Hầu. Ông nổi tiếng có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và cái chết anh dũng vang danh một thời. Sự tích về ông được đánh giá là hiển hách, thể hiện sự dũng mãnh và kiên định của một người trẻ tuổi trước sự ngoại xâm.
Đây là một vị tướng trẻ của triều đại nhà Trần gắn liền với câu chuyện về lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” đã anh dũng hy sinh khi mới 18 tuổi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ noi theo.
Thời Pháp thuộc: Lúc đầu mới mở là đường 76 sau đổi là phố Rênắc (rue Reinach). Thời hoà bình lập lại, triển lãm Yết Kiêu và Nhà hát Nhân dân được xây dựng ở cuối phố đã chặn hẳn một đoạn, nên phố này chỉ đến phố Trần Bình Trọng; năm 1997 mở thông lại đi phía sau Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt Xô.
Đường Trần Quang Khải
Đường Trần Quang Khải chạy dọc theo sông Hồng với chiều dài khoảng 2km, từ góc giao nhau với phố Hàng Muối đến ngã ba đầu phố Tràng Tiền nối với đường Trần Khánh Dư. Trước năm 1933 có tên là bến Ghi-lơ-mô-tô (quai Guillemot) đến năm 1945 đổi thành phố Trần Quang Khải, và được giữ nguyên cho đến tận ngày nay.
Trần Quang Khải là danh tướng, một nhà thơ đặc sắc, con thứ hai của vua Trần Thánh Tông và là học trò của nhà soạn sử đầu tiên của đời Trần Lê Văn Hưu. Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai, sau Trần Quốc Tuấn, có nhiều công lao lớn trên chiến trường. Trong sự nghiệp quân sự của Thượng tướng Trần Quang Khải, thì trận ông chỉ huy đánh tan quân Nguyên ở Chương Dương và Thăng Long.
Đường Trần Khánh Dư
Nối tiếp với đường Trần Quang Khải ở đầu phố Tràng Tiền đến đầu đường Nguyễn Khoái ở ngã tư Vân Đồn – Lê Quý Đôn là đường Trần Khánh Dư. Đường Trần Khánh Dư ngày nay có chiều dài khoảng 2km, rộng 12m thuộc phường Phan Chu Trinh quận Hoàn Kiếm và phường Bạch Đằng quận Hai Bà Trưng.
Trần Khánh Dư vốn là người họ hàng của vua nhà Trần, được phong chức Nhân Huệ vương. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất và thứ 2 ông đều lập được nhiều công lớn và được vua Trần Thái Tông phong chức Phiêu kỵ Đại tướng quân.
Thời Pháp thuộc trước năm 1933 gọi là bến Rê-na (quai Rheinart) đến năm 1945 được chia thành hai đoạn một đoạn đổi tên là phố Trần Khánh Dư, đoạn còn lại đổi thành tên đường Nguyễn Khoái.
Đường chạy dọc theo sông Hồng, nối tiếp đường Trần Hưng Đạo đến đầu đường Nguyễn Khoái.
Đường Trần Nhật Duật
Đường Trần Nhật Duật dài hơn 800m; từ phố Hàng Đậu (đầu cầu Long Biên), đến phố Lương Ngọc Quyến, nối vào đường Trần Quang Khải, cùng chạy dọc cạnh đê sông Hồng. Cuối đường này, trước có cột đồng hồ ở nơi hội tụ đầu các phố Nguyễn Hữu Huân, Hàng Mắm. Thời Pháp thuộc gọi là Bến Cơ- lê- măng- xô (Quai Clémenceau).
Trần Nhật Duật được biết qua tước hiệu Chiêu Văn vương hay Chiêu Văn đại vương là một nhà chính trị, quân sự Đại Việt thời Trần. Ông là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông và là một danh tướng của vương triều nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử, công lao hiển hách không thua kém Trần Quốc Tuấn hay Trần Quang Khải.
Đường Trần Khát Chân
Con đường mà xa xưa nó là một đoạn của bức tường phía nam thuộc tòa thành đất vòng giữa bao bọc quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long mang tên người anh hùng Trần Khát Chân.
Ngày nay, con đường này được bắt đầu từ phố Lãng Yên chỗ cửa ô Đông Mác, đến ô Cầu Dền, đầu phố Bạch Mai. Đường dài gần 2km; từ cuối đường Nguyễn Khoái, cạnh đê sông Hồng, qua Ô Đống Mác đến Ô Cầu Dền, đầu phố Bạch Mai.
Trần Khát Chân (1370 -1399) người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay là Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa, một danh tướng nhà Trần. Ông đã lập nên nhiều chiến công lừng lẫy, đập tan đạo quân xâm lược của Chiêm Thành được vua Trần phong tước Thượng tướng quân.
Vốn là đoạn thành đất vòng giữa, bao quanh Thăng Long xưa. Sau thành đê bao, uốn lượn nhiều đoạn, nhỏ hẹp. Thời Pháp thuộc là đường 222 (Voi 222). Tên dân gian gọi đê Bình Lao (từ Ô Đống Mác đến Ô Cầu Dền). Sau Cách mạng gộp với đường 202 (nay là đường Đại Cồ Việt) gọi chung là đường Đại Cồ Việt. Thời tạm chiếm tách ra, gọi đường này là đê La Thành. Sau hoà bình, 1964 đổi tên này (để khỏi lẫn với đê La Thành – Ô Chợ Dừa).
Đường Trần Thủ Độ
Trần Thủ Độ còn được gọi là Trung Vũ đại vương là một nhà chính trị Đại Việt, sống vào thời cuối triều Lý đầu triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, thu phục các thế lực người Man làm phản loạn và trong cuộc chiến kháng quân Nguyên lần thứ nhất.
Trần Thủ Độ với câu nói bất hủ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin Bệ hạ đừng lo” thể hiện ý chí chống giặc và lòng trung thành tuyệt đối của ông với đất nước.
Là một con phố mới của quận Hoàng Mai bắt đầu từ đường vành đai 3 đến khu nhà Nơ 5 khu chung cư Pháp Vân, Tứ Hiệp nay thuộc phường Hoàng Liệt là con phố mang tên nhà chính trị lỗi lạc có công sáng lập ra nhà Trần Thái sư Trần Thủ Độ.
7 con đường họ Trần gắn với 7 người anh hùng đã có công với công cuộc bảo vệ tổ quốc. Hy vọng qua bài viết sau bạn có thêm nhiều kiến thức về những con người anh hùng này, hiểu thêm về lịch sử đất nước trong những năm tháng hào hùng.