Vượt cạn là khẩu ngữ chỉ quá trình sinh nở của phụ nữ, đây là một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và khó khăn của người phụ nữ mà người xưa thường ví “cửa sinh là cửa tử”. Vậy vượt cạn là gì? các giai đoạn chính của vượt cạn như thế nào? tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Nội dung trong bài này
Vượt cạn là gì?
Tra các loại từ điển cả online và sách in đều chỉ có một kiểu kết quả ngắn gọn: Vượt cạn: động từ (khẩu ngữ) – (Phụ nữ) sinh đẻ hay phụ việc sinh con. Vượt cạn được sử dụng từ lâu, trở nên quá quen thuộc với mọi người.
Tại sao dùng từ “vượt cạn” chỉ quá trình sinh nở?
Nói về nguyên nhân tại sao từ “vượt cạn” được sử dụng để chỉ việc sinh con của phụ nữ, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ – Giảng viên khoa Ngữ Văn Đại học tổng hợp đã có bài viết giải thích đăng trên website của trường như sau:
“Có thể nó bắt đầu từ kinh nghiệm đi thuyền của dân sông nước. Mắc cạn là một tình thế mệt nhọc. Có vô vàn lý do để con thuyền bị mắc cạn: sai lạch, sơ ý, ngủ quên nước triều rút… Đặc biệt thuyền chở nặng mà mắc cạn thì mệt nhọc vô cùng.
Bởi vậy, sự mệt nhọc, nguy hiểm của việc sinh nở mà người phụ nữ, vốn sinh trên cạn, phải vượt qua được ví như việc đàn ông vượt (thuyền mắc) cạn vậy. Người ta nói “vượt cạn”. Chẳng đã có câu thành ngữ: “Đàn ông vượt sông có bạn/ Đàn bà vượt cạn một mình” là gì.
Gắn với việc phụ nữ chửa đẻ, từ điển Đại Nam quấc âm tự vị của cụ Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) hai lần chú nghĩa hai chữ CẠN ĐÌ ở các mục C và Đ.
- Mục C, cụ giải nghĩa: “Cạn đì. Chẹt nặng nơi đì. (Thường nói về đàn bà có thai)”.
- Mục Đ, cụ giải nghĩa: “Cạn đì. Mắc cản dưới đì. (Nói về đàn bà chửa gần ngày, bụng lớn trằn xuống khó đi)”.
Vậy, ĐÌ là gì và CẠN ở đây hiểu như thế nào?
Chữ ĐÌ, cụ Huỳnh giải nghĩa: “n. Chỗ ở trên đầu vế, kế dạ dưới”.
Tra thêm từ điển Việt – Bồ – La (bản chụp 1651) của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) thì thấy cụ cũng giải nghĩa: ĐÌ (cái đì): Đì, kẽ háng. Thế là rõ, nó là cái chỗ nhạy cảm ấy các cụ ghi đến thế là hiểu.
Còn CẠN thì trong tiếng Việt hiện đại được từ điển chú các nghĩa:
- 1. (Nước) vơi dần hoặc sắp khô.
- 2. Hết dần, không còn mấy nữa.
- 3. Nông, không sâu.
- 4. Hời hợt, nông nổi…
Tuy nhiên, trong cách nói dân gian, “vơi dần” cũng có nghĩa là “thấp dần” so với mức thường nhật, so với sào chống hoặc so với bờ bến. Khi nói: “Nước ngoài sông thấp lắm” thì cũng đồng nghĩa với “nước ngoài sông cạn lắm”. Vậy, trong ngữ dụng cổ xưa, “cạn” còn mang nét nghĩa “thấp xuống”. Ngữ liệu ai cũng hiểu khi ta nói: “Nước ao đang cạn dần”.
Suy ra, trong cổ ngữ còn lưu lại ở từ điển cụ Huỳnh Tịnh Paulus Của, hai chữ CẠN ĐÌ phải hiểu là bụng chửa thấp xuống đì mà cụ dùng chữ “trằn xuống” thật lý thú để giải nghĩa. Đây là cách nói gọn thường thấy trong khẩu ngữ (cạn xuống dưới đì => cạn đì).
Từ khi mang thai đến thời kỳ sa bụng, người phụ nữ đã cảm thấy mệt mỏi. Đến khi “cạn đì” thời gian cuối là sắp đẻ thì lại càng mệt hơn. Bởi thế, khi đẻ, người ta nói là phải vượt qua khó khăn đó, đó là VƯỢT CẠN”.
Các giai đoạn của quá trình vượt cạn
Mỗi ca sinh đều có những điểm đặc biệt riêng nhưng những ca sinh thường truyền thống đều thường trải qua 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn chuyển dạ, giãn nở cổ tử cung, gồm có chuyển dạ sớm, chuyển dạ tích cực và chuyển dạ chuyển tiếp
- Giai đoạn 2: Rặn đẻ và sinh
- Giai đoạn 3: Tách nhau
Giai đoạn 1: Chuyển dạ và giãn nở cổ tử cung
Trong giai đoạn này lại gồm 3 giai đoạn nhỏ:
- Chuyển dạ sớm: Cổ tử cung bắt đầu giãn nở từ 0cm đến 3-4cm. Đây là giai đoạn đầu tiên trong toàn bộ tiến trình để sinh hạ được một em bé và thời gian trung bình có thể kéo dài từ 6-10 tiếng với những mẹ sinh con lần đầu nhưng có thể ngắn hơn (đặc biệt với những mẹ đã sinh con rồi) hoặc lâu hơn.
- Chuyển dạ tích cực: Cổ tử cung mở rộng từ 4-7cm. Giai đoạn này là thời gian nguy hiểm chuẩn bị cho ca sinh và khi đó, phần lớn các mẹ bắt đầu chuyển dạ mãnh liệt hơn. Nó có thể kéo dài trung bình khoảng 3-6 tiếng nếu sinh con so và khoảng nửa tiếng với trường hợp sinh con dạ.
- Giai đoạn chuyển tiếp: Cổ tử cung giãn khoảng 8-10 cm. Giai đoạn chuyển dạ cuối này có thể kéo dài 20 phút tới hai tiếng đồng hồ nếu sinh bé đầu tiên và thường khá nhanh với những mẹ sinh con dạ.
Giai đoạn 2: Rặn đẻ
Giai đoạn 2 của việc sinh nở bắt đầu khi cổ tử cung mở hoàn toàn. Trung bình, nó kéo dài khoảng nửa tiếng đến 2 tiếng với những mẹ sinh lần đầu và chỉ mất vài phút đến 2 tiếng khi sinh con dạ.
Giai đoạn 3: Sổ nhau
Giai đoạn này kéo dài khoảng 5 đến 10 phút. Vài phút sau khi sinh, tử cung người mẹ bắt đầu co thắt một lần nữa để tách nhau thai ra khỏi thành tử cung. Khi bác sĩ thấy có dấu hiệu bóc tách này, họ sẽ yêu cầu người mẹ rặn nhẹ để tống nhau thai ra ngoài. Việc này thường chỉ cần một cú đẩy ngắn, không khó khăn và có thể chỉ đau nhẹ hoặc bị chuột rút.
Vượt cạn là giai đoạn vất vả và vô cùng đau đớn do các cơn co thắt tử cung liên tiếp. Qua đó, bạn đã hiểu người người mẹ đã phải chịu đau đớn rất nhiều khi sinh ra bạn. Vì vậy, hãy biết yêu thương họ nhiều hơn.