Cây đinh lăng có tên khác là cây gỏi cá, được mệnh danh là “nhân sâm của người nghèo”, hiện được nhiều người ưa chuộng và trồng làm cảnh. Bài viết sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc có nên trồng cây đinh lăng trong nhà, trước nhà hay không.
Nội dung trong bài này
Đặc tính của cây đinh lăng
- Tên khoa học: Polyscias Fruticosa L. Harris
- Tên khác: Nam Dương sâm, gỏi cá
- Họ: Araliaceac – Nhân sâm
Cây đinh lăng không có gai, thân gỗ, chiều cao cây từ 0,8 – 1,5m. Lá đinh lăng có mùi thơm, mỗi lá xẻ làm 3 lần, mép lá có răng cưa không đều, mỗi lá dài khoảng 20-40cm.
Dựa vào hình dáng lá, đinh lăng được phân chia thành rất nhiều loại:
- Đinh lăng lá nhỏ thường gọi là cây gỏi cá. Trong lá nhỏ có hai loại chính: Đinh lăng nếp và Đinh lăng tẻ. Đinh lăng nếp là loại lá nhỏ, xoăn, thân nhẵn, củ to, rễ nhiều và mềm, vỏ bì dày. Đinh lăng tẻ là loại lá xẻ thùy to, vỏ thân xù xì, màu xanh nhạt, củ nhỏ, rễ ít và cứng, vỏ bì mỏng.
- Đinh lăng lá tròn: Polyscias balfouriana Baill, trồng làm cây kiểng.
- Đinh lăng lá to: còn gọi là Đinh lăng ráng Polyscias filicifolia (Merr) Baill.
- Đinh lăng trổ: còn gọi là Đinh lăng viền bạc: Polycias guilfoylei (Cogn Marche) Baill.
- Đinh lăng răng: Lá 2 lần kép, thân màu xám trắng. Polyscias serrata Balf.
- Đinh lăng đĩa: Polyscias scutellarius (Burm f) Merr.
Hoa nở từ tháng 4 đến tháng 7, mọc thành cụm, mỗi cụm hoa gồm nhiều tán, mỗi tán có nhiều hoa nhỏ 5 cánh màu trắng xám, dài 2mm, các nhụy hoa ngắn và mảnh. Quả đinh lăng thuộc loại quả hạch có màu trắng bạc, hình trứng, dày khoảng 1mm, dài 3-4 mm, có vòi.
Cây đinh lăng có nguồn gốc từ đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Hiện nay cây đinh lăng được trồng ở nhiều địa phương ở nước ta. Ban đầu cây được trồng để làm thực phẩm và làm cảnh. Gần đây, đinh lăng được sử dụng như một loại dược liệu.
Có nên trồng cây đinh lăng trong nhà hay không?
Cây đinh lăng vốn là cây ưa sáng, phát triển khi có nhiều ánh nắng mặt trời, do vậy loài cây này không thực sự phù hợp để trồng trong nhà: phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc. Trường hợp bạn yêu thích thì trồng vẫn được nhưng sẽ tốn nhiều công sức chăm sóc hơn, chẳng hạn như bạn cần phải đặt chậu đinh lăng cảnh trong nhà ở vị trí gần cửa sổ; mỗi tuần cho cây ra tắm nắng 3 – 4 lần, mỗi lần 2 – 3 tiếng vào buổi sáng. Còn nếu được thì tốt nhất nên đặt chậu cây đinh lăng ngoài ban công, ngoài hiên nhà, vườn… vừa làm đẹp ngôi nhà, vừa giúp cây có điều kiện sinh trưởng tốt, xanh mát quanh năm.
Trường hợp bạn đặt cây đinh lăng trong phòng ngủ thì cần chú ý chỉ chọn những cây nhỏ, đặt cạnh cửa sổ. Vào ban đêm trước khi đi ngủ, bạn nên đặt chậu cây ra ngoài hiên hoặc mở cửa sổ ra bởi ban đêm cây sẽ hấp thụ khí oxy, sẽ khiến người trong phòng cảm thấy dễ ngột ngạt và khó chịu.
Có nên trồng cây đinh lăng trước nhà không? Trồng cây đinh lăng trước nhà có tốt không?
Thay vì việc trồng cây đinh lăng trong nhà thì việc trồng cây đinh lăng trước nhà được đánh giá rất tốt. Loài cây này mang nhiều ý nghĩa: trang trí, phong thủy, sức khỏe, ẩm thực:
Ý nghĩa trang trí của cây đinh lăng:
Hiện nay có rất nhiều chậu đinh lăng được tạo dáng bonsai, cây được uốn với hình dáng đẹp mắt. Khi bày trí trước nhà sẽ khiến không gian thêm tươi mới, đẹp mắt và sang trọng hơn.
Ý nghĩa sức khỏe của cây đinh lăng:
Trồng 1 – 2 cây đinh lăng cảnh trong nhà, trước nhà hoặc trong vườn sẽ mang rất nhiều tiện ích về mặt sức khỏe, ẩm thực, cụ thể:
- Bạn có thể lấy lá đinh lăng để làm rau ăn kèm với món gỏi cá hoặc cho thêm vài cọng lá đinh lăng khi gói nem. Ngoài ra lá đinh lăng cũng được dùng nhiều để kho cá, kho thịt – là loại gia vị không thể thiếu trong gian bếp.
- Lấy lá đinh lăng tươi hãm nước uống, đảm bảo giữ nguyên được lượng chất cần thiết, bồi bổ cơ thể. Dùng đinh lăng phòng và điều trị các bệnh suy giảm trí nhớ, căng thẳng suy nhược thần kinh hay những người thiểu năng tuần hoàn não, tiền đình với các chứng hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ có tác dụng rất tốt.
- Những bệnh như đau lưng mỏi gối, đau khớp, thấp khớp của người già nếu kiên trì uống nước thân cây đinh lăng sắc với một vài loại thuốc bắc theo đơn của thầy thuốc cũng sẽ nhanh chóng được cải thiện.
- Với các bệnh ngoài da như nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng dùng lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc còn 250ml chia làm 2 lần uống trong ngày sẽ nhanh chóng hết nổi mẩn.
- Khi bạn bị thương ngoài da mà nhà có sẵn cây đinh lăng, có thể nhai hoặc giã nát lá đinh lăng rồi đắp ngay lên vết thương làm dịu đau và nhanh liền. Chắc cũng bởi nhiều tác dụng tuyệt vời trên mà đinh lăng được coi là “nhân sâm của người nghèo”, đây là loại cây rất nên trồng trong nhà, trước nhà của mỗi gia đình.
- Với mẹ đang cho con bú, lá cây đinh lăng chứa những thành phần thảo dược giúp kích thích hoạt động của tuyến yên, khiến sữa được tiết ra nhiều hơn. Cụ thể, các thành phần trong lá và rễ cây đinh lăng bao gồm: Saponin, Alkaloid, các loại vitamin như B1, B2, B6, C, Phytosterol, Glycosid, Tanin, Acid hữu cơ, tinh dầu, nguyên tố vi lượng… và khoảng 20 loại Acid amin. Tất cả những dưỡng chất này đều được chứng minh tốt cho sữa mẹ và hạn chế tình trạng tắc tia sữa.
Ý nghĩa phong thủy của cây đinh lăng:
Cây đinh lăng được biết đến với ý nghĩa có thể ngăn chặn khí xấu xông vào nhà, từ đó trấn giữ nguồn năng lượng tốt, giúp tài khí dễ tích tụ, không bị tiêu tán, được coi như “thần giữ của” cho chủ nhà. Đây xứng đáng là một trong những loài cây nên có trong nhà, vườn nhà để dẫn dụ tài lộc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm:
Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây đinh lăng trong nhà, trước nhà
Thông thường thì đa phần các hộ gia đình thường mua sẵn chậu cây đinh lăng cảnh được bán sẵn ngoài cửa hàng về đặt phòng khách, trước hiên nhà cho thuận tiện. Tuy nhiên trường hợp bạn muốn biết cách trồng và chăm sóc cây đinh lăng thì có thể tham khảo các bước sau:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Đất trồng cây đinh lăng: Là hỗn hợp đất thịt tự nhiên hay đất pha cát và phân hữu cơ hoai mục cùng ít trấu sống theo tỷ lệ 2:1: 0,5 hay dùng đất sạch ngoài thị trường có đóng bao sẵn trộn thêm đất dinh dưỡng phân trùn quế theo tỷ lệ 2:1.
- Chậu trồng: Chọn chậu sứ hoặc xi măng, kích thước chậu lớn nhỏ tùy thuộc vào kích thước của cây, nhưng ít nhất cần cao 40cm, đường kính 35 – 40cm, dưới đáy chậu có lỗ để thoát nước.
- Cây giống: Cây đinh lăng có thể trồng bằng cách giâm cành và trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng mùa nắng để cành giâm không bị thối úng. Chọn cây có thân nhánh có kích thước khoảng 1,5 – 2cm, cắt nhánh thân thành từng đoạn ngắn ( hom giống) khoảng 18-20 cm bằng dao bén, tỉa bớt lá để hạn chế thoát nước, chấm gốc hom giống vào thuốc kích thích ra rễ như Atonik, NAA, N3M, Root… Nếu không có thời gian, bạn nên mua cành giâm hoặc cây con bán sẵn ngoài cửa tiệm.
Cây đinh lăng dễ trồng không?
Chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ trồng, cây giống thì các thao tác trồng đinh lăng làm cảnh sau đó tương đối dễ dàng chứ không có vấn đề gì quá phức tạp.
Kỹ thuật trồng cây đinh lăng
Ghim hom giống (cây giống) sâu 5-7 cm nghiêng góc 30 độ vào khay hay chậu có lớp đất hay giá thể tơi xốp dày khoảng 15-18cm, dùng 4 ngón tay ấn xung quanh gốc ghim giúp cố định.Tưới nước đủ ẩm bằng vòi nước nhẹ.
Nhớ để hom giống sau khi giâm cành vào nơi thoáng râm mát hay dưới lưới lan.Tránh làm xê dịch hom sau khi ghim để cành giâm mau ra rễ. Ngày tưới nước nhẹ hai lần.
Sau thời gian 25-30 ngày thì lá non bắt đầu nhú ra là hom giống đã ra rễ, khi thấy ra nhiều lá mới dài được 10cm thì nhổ đem ra trồng trong chậu (thời gian 50-60 ngày sau khi giâm cành).
Cách chăm sóc cây đinh lăng
Khi mới trồng cây con vào chậu thì tưới nước đầy đủ để cây mau phục hồi và phát triển tán lá.
Cây đinh lăng có thể trồng nơi có đầy đủ ánh sáng hay chỉ một phần chiếu sáng, nên thích hợp đặt chậu trồng cây ở sân thượng.
Khi cây đinh lăng đã lớn nhiều cành nhánh thì có thể tưới một ngày một lần trong mùa nắng, mùa mưa tưới cách ngày.
Vì cây trồng tại nhà để hái lá non dùng làm rau sạch nên chỉ bón phân trùn quế vào gốc một lớp 2-3 cm khi thấy rễ cây mọc nhô lên trên, hay hai tháng bón phân một lần, không cần dùng phân hóa học bón cho cây.
Bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi Có nên trồng cây đinh lăng trong nhà, trước nhà hay không. Nhìn chung đinh lăng là loài cây mang ý nghĩa phong thủy tốt, lại là vị thuốc tốt cho sức khỏe, là gia vị cho bữa ăn thêm ngon miệng. Do vậy chẳng có lý do gì mà chúng ta lại chối từ loài cây tốt như vậy trong nhà, vườn của mình phải không nào.