Nguyên Hồng là người hiểu rõ về số phận của những con người cùng cực trước Cách Mạng. Bản thân ông có nhiều tác phẩm để đời lột tả rõ bộ mặt của đám thực dân và sự thống khổ của người dân dưới ách đô hộ của chúng.
Nội dung trong bài này
Nguyên Hồng là ai?
Nguyên Hồng là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học hiện đại. Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 tại Vụ Bản, Nam Định. Năm 12 tuổi, Nguyên Hồng mồ côi cha mẹ đi bước nữa trong sự ruồng bỏ, hắt hủi và nhất là chịu cảnh “cấm vận” của gia đình nhà chồng, không được gần gũi, chăm sóc con mình. Thiếu tình yêu thương, Nguyên Hồng sống nhờ vào người cô và chịu sự rẻ rúng, khinh miệt của bà.
Nguyên Hồng ham đọc sách từ nhỏ. Ông thường dành tiền thuê sách để đọc và dường như đọc hết những quyển sách mình thích ở cửa hàng cho thuê sách tại Nam Định. Loại sách Nguyên Hồng thích thuở nhỏ là truyện lịch sử Trung Hoa, trong đó những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những hảo hán chiếm cảm tình của ông nhiều nhất.
Năm 16 tuổi khi mới học hết bậc tiểu học, ông cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo; sau đó ông về Thủ đô Hà Nội công tác và đến gần cuối đời Nguyên Hồng “dứt áo” khỏi chốn thị thành thực hiện cuộc “xê dịch” cuối cùng về Bắc Giang.
Con đường đến với văn học của nhà văn Nguyên Hồng như thế nào?
Năm 1936 ông bắt đầu viết văn, trình làng với truyện ngắn “Linh Hồn” (đăng trên Tiểu thuyết thứ 7). Nhưng ông chỉ thực sự gây tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết đầu tay “Bỉ Vỏ” khi mới 19 tuổi. “Bỉ Vỏ” được đánh giá là “bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy” như Tám Bính, Năm Sài Gòn… “Bỉ Vỏ” không chỉ có ý nghĩa là một giải thưởng văn chương danh giá của “Tự lực văn đoàn, 1937”, mà điều quan trọng kể từ đó, tác phẩm đã xác lập vị trí, uy tín, danh tiếng của nhà văn Nguyên Hồng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Cũng trong khoảng thời gian này, ông viết tập hồi kí “Những ngày thơ ấu” là một tập hồi ký viết về tuổi thơ cay đắng khắc nghiệt của chính tác giả- nhà văn Nguyên Hồng. Hồi ký được đăng trên báo năm 1938, xuất bản thành sách vào năm 1940.
Tháng 9 năm 1939, Nguyên Hồng bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1957, ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1958, Nguyên Hồng lặng lẽ rời cả gia đình từ thủ đô để trở về thôn Cầu Đen, Quang Tiến, Bắc Giang.
Có thể nói quãng thời gian sống ở Hải Phòng đã cho ông “chất bột” để ông “gột nên hồ” với hàng loạt tác phẩm văn xuôi. Đó là 20.000 trang in 4 tập bộ tiểu thuyết “Cửa biển” đồ sộ trong thời gian dài từ 1961-1976: “Sóng gầm” (1961), “Cơn bão đã đến” (1963), “Thời kỳ đen tối” (1973), “Khi đứa con ra đời” (1976)… ngồn ngộn hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở miền đất đầy sóng và gió.
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là “Núi rừng Yên Thế” được viết năm 1980. Cuốn này đang viết dở thì sức khỏe ông yếu đi và ông qua đời trước khi nó hoàn thành ngày 2 tháng 5 năm 1982 tại Tân Yên (Bắc Giang).
Từng trang văn của ông là từng trang đời thấm đẫm nước mắt, số phận của con người những năm tháng trước Cách mạng. Đó là những con người sống dưới đáy xã hội, những người nghèo, những thân phận bất hạnh, cô đơn, những con người yếu thế nhưng bao giờ cũng cố vươn lên đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm của mình.
Nguyên Hồng mất khi nào?
Nguyên Hồng qua đời ngày 2 tháng 5 năm 1982 tại Tân Yên (Bắc Giang) do sức khỏe yếu.
Là một nhà văn của nhân dân, với những cống hiến quan trọng, Nguyên Hồng là một trong số 14 nhà văn Việt Nam vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 1996).