Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Xuân Thủy là nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc. Ông có những đóng góp to lớn vào mặt trận ngoại giao giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nước ta.

Xuân Thủy là ai?

Xuân Thủy là tên hiệu, ông có tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 02 tháng 09 năm Nhâm Tý 1912, là người con trong một gia đình nhà nho yêu nước thuộc xã Phương Canh, tổng Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ. Nay là phường Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Nhà cách mạng Nguyễn Xuân Thủy
Nhà cách mạng Nguyễn Xuân Thủy

Xuân Thủy hoạt động cách mạng từ khi nào?

Từ nhỏ Xuân Thủy sớm hiểu tình trạng đất nước đang bị giặc Pháp chiếm đóng, ông sớm tham gia các tổ chức yêu nước chống Pháp.  Với lòng yêu nước sâu sắc, căm thù giặc, năm 1932 Xuân Thủy được giác ngộ cách mạng và bắt đầu đi hoạt động ở vùng Canh rồi sang vùng Phúc Yên gây dựng cơ sở.

Đến Phúc Yên (nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), thời gian đầu, khi chưa bắt được liên lạc với các tổ chức cộng sản, đồng chí Xuân Thủy chủ động nghiên cứu và tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lý tưởng cộng sản theo sự hiểu biết của bản thân. Đồng chí và các cộng sự đã tiến hành tổ chức những lớp học chữ quốc ngữ vào ban đêm; lập những nhóm đọc sách, báo tiến bộ; tổ chức các cuộc mít-tinh chống sưu cao, thuế nặng, đòi cơm áo, hòa bình,… cho nhân dân. Những hoạt động do đồng chí Xuân Thủy tổ chức đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nhân dân trong vùng. Từ đó, phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân vùng Phúc Yên phát triển mạnh mẽ, khiến bọn thực dân cai trị ở đây đứng ngồi không yên. Để ngăn chặn tình hình này, thực dân Pháp đã lùng sục đồng chí Xuân Thủy rất gắt gao. Năm 1938, đồng chí bị bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Bị chính quyền thực dân bắt giam khi bước vào hoạt động cách mạng không lâu là một cú sốc lớn đối với chàng trai trẻ Xuân Thủy. Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong gian khổ, khó khăn, khí phách cách mạng của đồng chí càng được nhân lên gấp bội. Gông sắt và xiềng xích trong nhà tù không lay chuyển nổi ý chí chiến đấu của đồng chí. Sau khi hết hạn giam giữ, Xuân Thủy tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1939, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai và bị đày đi nhà tù Sơn La.

Vẫn với khí phách cách mạng, khi đến nhà tù Sơn La, Xuân Thủy sớm hòa mình vào cuộc đấu tranh của những chiến sĩ trong lao ngục. Tại nhà tù, đồng chí có dịp được tiếp xúc với những chiến sĩ cách mạng kiên trung lúc bấy giờ là Tô Hiệu và Trần Huy Liệu. Do cùng chung lý tưởng cách mạng là tìm cách đấu tranh chống lại thực dân xâm lược, đem lại độc lập, tự do cho đồng bào, Xuân Thủy và các đồng chí trong nhà tù Sơn La sớm tìm ra những hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng mới.

Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, năm 1941, khi Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập bí mật tại nhà tù Sơn La, Xuân Thủy được đồng chí Tô Hiệu và Trần Huy Liệu giới thiệu kết nạp đặc biệt vào Đảng, đồng thời được đặc cách công nhận là đảng viên chính thức. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Xuân Thủy, mà còn là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động của đồng chí; là điểm nhấn quyết định của quá trình từ một thanh niên yêu nước trở thành một đảng viên cộng sản.

Sau 6 năm bị giam tại nhà tù Sơn La, đầu năm 1944, đồng chí Xuân Thủy ra tù cũng là lúc tình hình cách mạng Việt Nam đang diễn biến hết sức khẩn trương. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đảng đã giao cho đồng chí Lê Quang Đạo, đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách khu vực Hà Nội đến gặp đồng chí Xuân Thủy bàn phương hướng hoạt động cách mạng trong thời gian tiếp theo. Sau đó, đồng chí Xuân Thủy có buổi gặp gỡ, làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Trường Chinh và được giao nhiệm vụ phụ trách báo Cứu quốc – một trong những tờ báo bí mật của cơ quan Tổng bộ Việt Minh. Từ đây và nhiều năm sau đó, đồng chí Xuân Thủy dành nhiều tâm lực cho việc tổ chức và phát triển báo Cứu quốc, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Cùng với nhiệm vụ phụ trách báo Cứu Quốc, đồng chí còn đảm nhận nhiều trọng trách như: đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khoá I; Uỷ viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí đi giải thích cho cử tri và bạn đọc báo Cứu Quốc về chính sách đại đoàn kết dân tộc, kể cả những đại biểu của các nhóm chống đối cách mạng trong Quốc hội, đưa yêu sách ngang ngược đòi thay cờ đỏ sao vàng.

Cách mạng và báo chí hòa quyện làm một trong người chiến sĩ cộng sản Xuân Thuỷ với cái nhìn sắc bén và bản lĩnh vững vàng. Chính Bác và Thường vụ Trung ương Đảng đã phái đồng chí Nguyễn Khang và Xuân Thuỷ trực tiếp đi từ Hà Nội xuôi xuống các làng ven đường số 5, tuyên truyền giải thích về Hiệp định sơ bộ (06/3/1946) và phân phát báo Cứu Quốc cho nhân dân.

Ở Hà Nội, đồng chí Xuân Thủy chỉ đạo Thành bộ Việt Minh thực hiện đúng đắn, linh hoạt, mềm dẻo chủ trương của Đảng để đoàn kết toàn dân. Người trực tiếp truyền đạt chỉ thị của đồng chí Xuân Thủy là đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư Thành bộ Việt Minh.

Sau cách mạng tháng 8-1945, ông lần lượt được đề cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ.

Xuân Thủy khởi đầu sự nghiệp ngoại giao thế nào?

Xuân Thủy khởi đầu sự nghiệp ngoại giao của mình ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ông đã nhiều lần tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, đàm phán với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng của dân tộc, giải quyết việc thành lập Chính phủ Liên hiệp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, Xuân Thủy được Đảng trao trách nhiệm xây dựng công tác ngoại giao nhân dân. Ông là người có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển rộng rãi nền ngoại giao nhân dân nước ta, góp phần quan trọng vào việc vận động nhân dân thế giới ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chính nghĩa chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam.

Dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp ngoại giao của Xuân Thủy là thời kỳ từ năm 1968-1973, với tư cách Bộ trưởng, đại diện Chính phủ Việt Nam DCCH trong quá trình đàm phán với đại diện Chính phủ Mỹ và sau đó là Trưởng đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Gần 5 năm đàm phán, trong khi phía Mỹ phải thay trưởng đoàn đến 4 lần thì Xuân Thủy trước sau vẫn là Trưởng đoàn chính thức của Đoàn đàm phán Việt Nam DCCH. Ông có nụ cười rất đẹp, tự nhiên, ung dung, tự tại, có ý nghĩa sâu sắc bên trong, làm cho người mới tiếp xúc lần đầu có cảm tình ngay. Nụ cười đó đã thuyết phục các nhà báo thuộc mọi khuynh hướng.

Nói như nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin, Phó Trưởng đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris: “Nụ cười đó, suy rộng ra, không phải là nụ cười của cá nhân Xuân Thủy, mà là nụ cười của cả nhân dân Việt Nam, khiến cho người dân Paris khó tính nhưng rất có tình người, tự đặt cho mình câu hỏi: “Phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ vì chiến tranh, làm sao người Việt Nam còn cười được?””.

Xuân Thủy – nhà ngoại giao xuất sắc và toàn diện

Trong hoạt động đối ngoại, một trong các yêu cầu hàng đầu là phải có khả năng đối đáp sắc bén, kịp thời, súc tích và nếu có thể dí dỏm càng hiệu quả. Báo chí Pháp đã từng thuật lại một cuộc đối thoại ngoài lề Hội nghị Paris giữa Xuân Thủy và Đại sứ Hariman, Trưởng đoàn Mỹ. Hariman đã có tuổi, nhiều kinh nghiệm đàm phán và rất am hiểu về chủ nghĩa cộng sản cũng như các nước xã hội chủ nghĩa.

Một hôm, vào giờ nghỉ giữa phiên họp và cùng ngồi uống cà phê, tuy biết Hariman thường phải dùng máy nghe trong cuộc họp, nhưng Xuân Thủy vẫn hỏi: “Ông phải dùng đến máy nghe ư?”. Hariman đáp: “Tôi hơi bị nặng tai, mấy năm nay phải nhờ đến dụng cụ này mới nghe được những gì người khác nói”. Xuân Thủy chợt phá lên cười và nói: “À, thế thì tôi hiểu rồi, hóa ra suốt mấy tháng nay, chúng tôi chỉ yêu cầu một điều là Mỹ chấm dứt ném bom ở miền Bắc, vậy mà ông vẫn không nghe ra”.

Nghe Xuân Thủy nói thế, Hariman cũng phải phì cười và thú thật chính ông ta cũng đã đề nghị chấm dứt ném bom, nhưng Tổng thống Mỹ Johnson không chịu. Có lẽ, ngoài mục đích phá hoại miền Bắc, chính quyền Mỹ còn theo đuổi các ý đồ khác mà ông ta chưa thể biết được.

Báo chí Pháp cũng từng thuật lại câu chuyện trong cuộc đón Xuân Thủy vừa bước xuống sân bay trở lại Pháp tham dự Hội nghị Paris sau một chuyến về Hà Nội công tác. Lúc bấy giờ có một nhà báo đột ngột hỏi: “Thưa ông, ông nghĩ gì về váy mi-ni?” (váy cực ngắn đang thịnh hành ở các nước phương Tây hồi đó). Dụng ý của nhà báo này là thử xem ra khỏi lĩnh vực chính trị và ngoại giao, đi vào một vấn đề cụ thể của đời sống ở nước ngoài Việt Nam thì vị Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam DCCH sẽ ứng xử ra sao? Xuân Thủy chỉ suy nghĩ ít giây rồi đáp lại với nụ cười hóm hỉnh: “Tôi nghĩ nó không thể ngắn hơn…”. Lời đáp tuyệt vời đó đã khiến cho tất cả các nhà báo có mặt ở sân bay đều bật cười, thú vị, kính nể tài đối đáp bậc thầy của Xuân Thủy và càng có cảm tình với đất nước, con người Việt Nam.

Gần 5 năm với rất nhiều lần trực tiếp đàm phán với đối phương (cả bí mật và công khai), Xuân Thủy đã góp phần rất to lớn vào việc buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam DCCH.

Bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và trước sự phản đối cùng sức ép ngày càng tăng của nhân dân trong nước và thế giới, cuối cùng chính quyền Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam (năm 1973); buộc phải rút hết, rút không điều kiện quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi Việt Nam; buộc Mỹ tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng lợi này đã tạo tiền đề cho Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (nguồn biephong.com.vn). Tuy ông không phải là người đặt bút ký vào bản Hiệp định, nhưng lịch sử sẽ mãi ghi những nét son tên tuổi và hình ảnh của nhà ngoại giao tài ba và đức độ ấy, người đã từng đem hết tâm huyết và tài năng của mình vào cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam suốt từ lúc đầu cho đến khi toàn thắng.

Ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Xuân Thủy đối với Tổ quốc, với ngành ngoại giao, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí những phần thưởng cao quý nhất như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Ông mất ngày 18 tháng 6 năm 1985 tại nhà riêng ở số 36 Lý Thường Kiệt mà nay là trụ sở của Bảo tàng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Lịch sử sẽ mãi ghi những nét son tên tuổi và hình ảnh của nhà ngoại giao tài ba và đức độ Xuân Thủy, người đã từng đem hết tâm huyết và tài năng của mình vào cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam suốt từ lúc đầu cho đến khi toàn thắng (1968 -1973).

5/5 - (2 bình chọn)
Share.

Comments are closed.