Trầu không là một trong những loại cây được khá nhiều gia đình trồng trong vườn để trang trí nơi ở. Vậy có nên trồng cây trầu không ở trước nhà hay không?
Nội dung trong bài này
Đặc tính của cây trầu không
- Tên gọi khác: Cây trầu không còn được gọi là cây trầu cau hay cây thược tương.
- Tên khoa học: Piper betle L.(Piper siriboe L.).
- Họ: Cây trầu không thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae)
Cây trầu không là một loài cây gia vị hay cây thuốc, lá của nó có các tính chất dược học. Đây là loài cây thường xanh, loại dây leo và sống lâu năm, với các lá hình trái tim có mặt bóng và các hoa đuôi sóc màu trắng.
Cây có thể cao từ 10 – 20m nếu được leo bám trên cây cao khác. Hoa của cây trầu không hình trụ tròn, dài từ 2 – 5cm, mọc ở nách lá. Cây trầu không không có quả.
Ở Việt Nam có hai loại trầu chính: trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, nhỏ lá, được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Cây có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á và được trồng ở Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam, Malaysia.
Có nên trồng cây trầu không ở trước nhà?
Để trả lời cho câu hỏi có nên trồng cây trầu không trước nhà hay không thì chúng ta cùng đi tìm hiểu ý nghĩa của loài cây này đối với cuộc sống:
Ý nghĩa phong thủy
Từ xưa đến nay, miếng trầu không xuất hiện ở hầu hết các tiệc ma chay cưới hỏi, là nét đẹp trong văn hóa người Việt. Nhiều người vẫn truyền nhau “miếng trầu là đầu câu chuyện”, theo đó cây trầu là biểu tượng cho sự khởi đầu suôn sẻ, mới mẻ, cho niềm vui. Việc trồng cây trầu không trước nhà theo đó sẽ giúp gia đình thuận lợi trong mọi việc, từ tình cảm đến công việc.
Ngoài ra lá trầu không cũng từng xuất hiện trong sự tích trầu cau, nói về tình cảm thân thiết bền chặt giữa anh em, vợ chồng. Cây trầu không là biểu tượng của sự yêu thương, che chở, hy sinh, gắn kết mọi người gần nhau hơn.
Ý nghĩa cảnh quan
Đối với các hộ gia đình ở thành phố, diện tích đất chật chội, việc trồng những cây cảnh lớn không khả thi. Thay vào đó trồng cây trầu không dạng leo, không tốn nhiều diện tích, lá cây xanh quanh năm mang tính thẩm mỹ cao, đem lại vẻ đẹp tươi xanh cho ngôi nhà.
Ý nghĩa về sức khỏe
Cây trầu không có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn rất tốt, mang đến không khí trong lành cho ngôi nhà thân yêu.
Về công dụng chữa bệnh, trong lá trầu không chứa nhiều dưỡng chất, được sử dụng như một loại thuốc hữu hiệu để trị một số bệnh như bệnh đái dắt, táo bón, suy nhược thần kinh, giảm đau đầu, đau họng, đau lưng và đặc biệt có tác dụng chống viêm nhiễm cho các loại vết thương hở như đứt tay, bong da, bỏng… Chỉ với cách sử dụng vô cùng đơn giản là giã lá trầu không lấy nước rồi sử dụng là các bạn đã có ngay một phương thuốc trị được nhiều loại bệnh ngay tại nhà.
Với chị em phụ nữ, lấy lá trầu không đun nước, pha thêm ít muối có thể chữa viêm nhiễm phụ khoa, loại bỏ mùi hôi rất tốt. Phụ nữ mới sinh không có sữa cho con thì chỉ cần lấy lá trầu không hơ nóng, áp vào bầu vú, tuyến sữa sẽ được thông nhanh chóng.
Một số bài thuốc từ cây trầu không bạn có thể tham khảo:
- Chữa nhức đầu do thay đổi thời tiết: Lấy 5 lá trầu, rửa sạch giã dập rồi xoa vào thái dương hay đỉnh đầu sẽ có tác dụng giảm đau và dịu cơn nhức đầu. Theo y học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.
- Chữa các vết lở loét, mụn nhọt: Lá trầu không tươi 2 hoặc 3 lá, cắt thật nhỏ, cho vào một cốc con. Dội nước sôi vào cho ngập lá trầu không, làm như khi ta pha chè. Đợi chừng 10-15 phút cho chất thuốc trong lá trầu thôi ra nước. Dùng nước này rửa các vết loét, vết chàm, mụn nhọt. Ngày làm như vậy 2-3 lần.
- Chữa viêm họng: Khi viêm đau họng lấy 5 lá trầu không rửa sạch giã nát chắt lấy nước, thêm mật ong rồi ngậm có thể nuốt từ từ rất hiệu nghiệm.
- Chữa nước ăn chân: Lấy lá trầu không 8g, lá ráy 50g thái nhỏ, đổ ngập nước, đun sôi để nguội rồi ngâm chân. Hoặc lấy một nắm lá trầu không đun sôi để nguội ngâm chân cũng rất hiệu nghiệm…
- Sát khuẩn vết thương: Khi bị thương, vắt nước trầu không rửa vết thương rồi dùng lá trầu không sạch phủ lên, băng lại hoặc có thể lấy lá trầu không nấu nước rửa vết thương hằng ngày, vết thương sẽ khô, kín miệng sau 2 ngày.
- Trị đau nhức, cảm cúm: Lấy khoảng 5 lá trầu không nhúng vào rượu đánh cảm có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, nhẹ đầu, giảm các triệu chứng cảm cúm.
Với ý nghĩa sức khỏe, cảnh quan, phong thủy nêu trên, có thể thấy việc trồng cây trầu không ở trước nhà mang rất nhiều lợi ích. Bạn có thể tham khảo cách trồng cây trầu không đơn giản ngay sau đây.
Ngoài trước nhà thì có thể trồng cây trầu không ở vị trí nào khác?
Bạn hoàn toàn có thể trồng cây trầu không ở các vị trí phù hợp trong gia đình: ban công, sân thượng, 2 bên hông nhà, trong vườn, sau nhà… Khi trồng chú ý chăng giây hoặc chọn các vị trí bờ tường để cây leo lên phát triển.
Có nên trồng cây trầu không trong nhà? Trồng cây trầu không trong nhà có tốt không?
Cây trầu không là cây ưa sáng nhẹ, do vậy thích hợp để trồng trước nhà, ngoài trời, trong vườn hơn là ở trong nhà. Trường hợp muốn trồng trong nhà, bạn cần đảm bảo không gian có đủ ánh sáng từ cửa sổ, cửa kính, giếng trời, có như vậy cây mới có thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, không bị chết hoặc còi cọc.
Trồng cây trầu không có khó không?
Yêu thích vẻ đẹp thanh cảnh của cây trầu không nhưng rất nhiều gia chủ thắc mắc liệu việc trồng và chăm sóc cây trầu không có khó không. Thực tế thì cây trầu không rất dễ trồng và dễ chăm, không tốn nhiều thời gian, bạn chỉ cần chú ý tưới nước, bón phân định kỳ là cây đã có thể phát triển tươi tốt.
Hướng dẫn cách trồng cây trầu không trước nhà
Trầu không thường được trồng bằng ngọn. Chọn những ngọn chắc khỏe không non không già quá cắt đoạn dài mang 5 – 10 mắt, mỗi gốc trồng từ 3 – 5 đoạn tùy theo gốc to hay nhỏ.
Sau khi chuẩn bị giống và đất trồng xong, đặt hom nằm dưới đất, thò lá và ngọn lên trên mặt đất. Tưới nước giữ ẩm cho cây.
Khi mới giâm xong, nên che nắng ban trưa trên cao cho cây khỏi cháy nắng, nhưng khi đã bén rễ và mọc ngọn thì dỡ tấm che ra.
Tới mùa mưa, 1 tuần tưới nước từ 2 – 3 lần cho cây. Tới mùa mưa, chú ý công tác thoát nước để tránh việc cây trầu không bị thối, úng.
Sau khi trồng khoảng 20 ngày, tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân gà, phân trùn quế… Cứ khoảng 20 – 30 ngày thì bón 1 đợt cho cây. Tỉa bỏ những lá già, héo úa để cây trông đẹp hơn và hạn chế sâu bệnh gây hại.
Làm giàn hoặc cắm cọc để trầu leo. Cọc là nơi để dây trầu bám vào nên cần vững chắc để không bị đổ ngã khi mưa gió. Bạn cũng có thể cho trầu không leo lên cây cau, tường gạch hoặc các loại cây trụ sống khác, kể cả trụ bê tông.
Lời khuyên: Muốn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức gia chủ có thể ra các cửa hàng cây cảnh mua chậu trầu không để bày trước nhà, trong vườn.