Một số người đồn nhau rằng hoa hồng tú cầu dễ mang lại xui xẻo cho con người. Điều này liệu có đúng? Vậy liệu có nên trồng hoa hồng tú cầu trong nhà không?
Nội dung trong bài này
Tìm hiểu về hoa hồng tú cầu
Hồng tú cầu còn được gọi với nhiều tên khác: Huyết hoa hay hoa quốc khánh, pháo hoa, pháo bông, pháo hồng, quả cầu lửa…
Hoa hồng tú cầu có nguồn gốc tại Châu phi và được tìm thấy nhiều ở một số nước như Namibia, Zimbabwe, Nam Phi, Mozambique,…Tại Việt Nam, cây được trồng rải rác trên toàn quốc.
Hồng tú cầu có tên khoa học là Haemanthus katherinae. Hồng tú cầu thuộc loại cây thân thảo. Thân cây khá xốp và mềm. Đặc biệt, hồng tú cầu phát triển từ hệ củ nằm sâu trong đất. Các củ của hồng tú cầu khá giống củ hành. Bao bọc hệ củ là những lớp áo có màu xanh nhạt và nhiều đốm màu tía.
Hồng tú cầu mê hoặc người yêu hoa bởi chùm hoa tròn xoe hoàn hảo của mình. Mỗi chùm hoa lớn gồm từ 40 – 50 hoa nhỏ. Các hoa có màu hồng đỏ vô cùng xinh xắn. Hoa hồng tú cầu là hoa lưỡng tính, tam bội và nhị có bao phấn màu vàng.
Một đặc điểm khác với nhiều loài hoa khác, hoa hồng tú cầu chỉ ra hoa 1 lần trong năm vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 nhưng hoa có thể tươi lâu từ 5 – 10 ngày
Có nên trồng hoa hồng tú cầu trong nhà không?
Nhiều người cho rằng trồng cây hồng tú cầu trong nhà không được tốt, nên kiêng kỵ trồng. Nếu trồng nó trong nhà sẽ khiến gia đình đó luôn gặp điều xui xẻo, làm ăn không ra, gia đình luôn có chuyện lục đục xảy ra. Nhà có trẻ con thì trẻ luôn bị bệnh vặt hay quấy phá, khóc đêm. Còn những ai yếu vía thường bị bóng đè, khó ngủ, mộng mị lung tung… Chính vì vậy mà nhiều nơi tối kỵ việc trồng cây này trong nhà. Thực tế quan niệm này vẫn chỉ dừng lại ở “lời đồn”, chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh các điều trên. Do vậy nếu yêu thích vẻ đẹp của loài hoa này, bạn vẫn có thể trồng.
Màu sắc hoa hồng tú cầu rực rỡ, khi đặt trước nhà, ban công, hoặc trồng trong vườn sẽ mang đến vẻ đẹp không gian. Những lúc mệt mỏi vì học tập hay làm việc, ngắm nhìn bông hoa hồng tú cầu xinh xắn sẽ giúp giảm stress cực kỳ hiệu quả.
Chú ý: Phần củ của hồng tú cầu có chứa độc tố do vậy nếu gia đình có trẻ nhỏ, bạn cần nhắc nhở dặn dò trẻ không nghịch, làm chảy nhựa cây và đưa vào miệng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Không nên đặt cây trong phòng ngủ bởi khí độc từ củ hành có thể thoát ra gây hại cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm:
Cách trồng cây hoa hồng tú cầu trong nhà
Cách trồng hoa hồng tú cầu rất đơn giản, thường các gia đình hiện nay đều lựa chọn trồng hoa trong chậu để thuận tiện di chuyển đến các vị trí mình mong muốn.
Chuẩn bị:
- Đất trồng: Hoa hồng tú cầu không quá kén đất trồng, thế nhưng tốt nhất bạn nên chọn các loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng để cây sinh trưởng tốt.
- Chậu trồng: Tùy chọn chậu nhựa, sứ, xi măng… dưới đáy chậu có lỗ thoát nước. Kích thước chậu theo số củ bạn muốn trồng. Nếu trồng 1 củ thì đường kính chậu thích hợp là 20cm, 2 củ đường kính chậu từ 30 – 40 cm,… Nên chọn chậu rộng 1 chút vì sau 1, 2 năm trồng các củ mẹ sẽ đẻ củ con và cho bạn thêm hoa.
- Củ hoa hồng tú cầu: Mua ở các cửa hàng giống cây trồng. Chọn các củ mập mạp, khỏe mạnh, không dính sâu bệnh.
- Xơ dừa
Tiến hành trồng:
Bạn cho xơ dừa vào chậu. Tiến hành trồng cây hồng tú cầu bằng củ đã được làm sạch. Đặt củ lên lớp đất xơ dừa rồi thêm đất vào xung quanh để giữ củ đứng vững. Bạn cần lưu ý để phần vòi bông lộ lên trên. Sau khi đắp đất xong cho phần củ, bạn phải tưới nước ngay vào chậu để cây đủ độ ẩm. Trong 1 tuần đầu trồng, bạn chú ý tưới nước đều đặn.
Hồng tú cầu là cây hoa cảnh thích hợp trồng tại nơi có khí hậu ấm và ẩm. Về cường độ ánh sáng, cây sinh trưởng và phát triển tốt tại nơi bán râm do vậy nên đặt cây dưới những tán cây lớn.
Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc có nên trồng hoa hồng tú cầu trong nhà không để bạn tham khảo. Chơi cây, hoa cảnh đa phần do sở thích, do vậy nếu bạn cảm thấy yêu thích loài hoa này thì hoàn toàn có thể tự mình bố trí trồng 1 vài chậu để điểm tô cho không gian sống.