Tư duy nhanh, kỹ năng quan sát cao, khéo tay và dũng cảm! Có thể bạn không tin nhưng đây là những kỹ năng rèn luyện cho các bé khi tham gia vào trò chơi đánh khăng. Để biết chi tiết cách chơi, mời tham khảo bài viết dưới đây!
Nội dung trong bài này
1. Trò chơi đánh khăng có nguồn gốc từ đâu?
Do độ phổ biến của trò chơi nên đa số mọi người thường nghĩ rằng, đánh khăng có nguồn gốc từ vùng đồng bằng miền Bắc. Tuy nhiên theo tài liệu chúng tôi tìm được, trò chơi này được bắt nguồn từ đồng bào dân tộc Thái ở vùng cao. Trò chơi được sinh ra trong quá trình lao động, sản xuất ra của cải vật chất. Tên của trò đánh khăng được những người dân tộc Thái gọi là Kàng Lếu. Còn đối với những người miền trong, đánh khăng còn được gọi là đánh trỏng.
Hiện nay, trò chơi đánh khăng không còn gói gọn chỉ ở vùng núi cao mà đã lan ra và trở thành một trò chơi phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng nông thôn của Việt Nam.
2. Những ai chơi được trò chơi đánh khăng?
Đây là trò chơi khó nhằn đối với các bé do thực hiện trò chơi bé cần nhiều kỹ năng khó. Vì vậy nên, khi các bé bước vào độ tuổi tiểu học(6 tuổi trở nên) ông bà, bố mẹ sẽ dạy bé cách chơi đúng chuẩn.
3. Số lượng người tham gia vào trò chơi này là bao nhiêu?
Giống như đa số trò chơi dân gian khác, đánh khăng là trò chơi mang tính tập thể cao và có độ nguy hiểm… Do vậy, số lượng người tham gia là không giới hạn, số lượng tối thiểu là 2 người. Trò chơi này dành cho hai người trở lên, có thể chơi theo thể thức từng người thi đấu vòng tròn tính điểm.
4. Nên chơi trò đánh khăng ở đâu?
Trò chơi đánh khăng có sử dụng dụng cụ cũng như những công thức chơi riêng cần nhiều khoảng trống cho các bé. Do vậy ba mẹ, thầy cô nên tìm chọn cho các bé những không gian chơi rộng rãi, bằng phẳng. Bãi đất trống, sân thể dục là những địa điểm lý tưởng dành cho bé!
5. Hướng dẫn tổ chức trò chơi đánh khăng
Chuẩn bị:
- Một bãi đất trống dài khoảng 10 -20m, không cần rộng lắm, xa chỗ đông người.
- Hai que nhỏ: một làm cái, dài độ 30cm; một làm quân dài độ 10 cm (đường kính khoảng 1-1,5cm). Que dài hơn được gọi là cái, còn que nhỏ là con.
- Đào 1 rãnh đất nhỏ, dài độ 15cm, sâu khoảng 3-5cm, rộng khoảng 5cm, ở một đầu bãi đất trống làm chỗ đánh khăng.
Luật chơi:
- Ai đạt điểm quy định trước là người ấy thắng (bên nào đạt mức trước là thắng).
- Số điểm mỗi lượt được cộng vào với nhau cho đến khi ai đạt được quy định trước là hết ván.
- Nếu có 4 người chơi mà không chia làm hai bên thì 1 người đánh khăng, 3 người bắt.Nếu chia làm 2 bên thì 1 người nhóm bên này đánh, 2 người kia bắt.
- Khi đo đoạn khăng tính điểm phải theo đoạn thẳng và đảm bảo đúng chiều dài từng đoạn.
Cách chơi:
- Người chơi khi đến lượt sẽ lần lượt thực hiện các kỹ thuật cầy, mắm cho đến gà để ghi điểm tích lũy.
- Khi đánh cầy hoặc gà, con đặt tại lò còn ở động tác mắm, người chơi cầm con đứng ở sát vạch ngang làm mốc để đánh. Khi một người tìm cách ghi điểm, đối phương sẽ cố gắng cản phá.
- Những người cản phá đứng ở phía trên vạch ngang làm mốc theo hướng đánh và bao gồm mọi người chơi còn lại nếu chơi theo thể thức cá nhân vòng tròn tính điểm hoặc toàn đội đối phương nếu chơi đồng đội.
- Điểm của một cú đánh chỉ có thể được tính khi con thoát khỏi sự cản phá và dừng lại trên mặt đất ở phía trên vạch ngang làm mốc theo hướng đánh.
- Trường hợp bên cản phá bắt được con khi nó chưa chạm đất thì người đánh không được tính điểm cho lần đánh đó và mất lượt chơi.
- Trường hợp những người cản phá bắt được con khi con đã chạm đất rồi nảy lên thì người bắt được sẽ thực hiện một cú nhảy ba bước về phía lò, điểm tiếp đất sẽ tính là điểm con dừng lại trên mặt đất (đương nhiên nếu điểm tiếp đất vượt quá vạch ngang làm mốc thì con cũng coi như chưa qua vạch).
- Sau khi đã thực hiện xong kỹ thuật có thể ghi điểm, người đánh đặt cái nằm ngang trên lò. Tại điểm con dừng lại trên mặt đất, một trong những người cản phá sẽ dùng con ném về phía cái sao cho nó bật ra khỏi lò hoặc con dừng lại càng gần lò càng tốt.
- Nếu cái không bị ném bật ra khỏi lò hoặc con dừng lại cách lò một khoảng dài hơn chiều dài của cái thì cú đánh mới được tính điểm cho người đánh.
- Trường hợp một trong những người cản phá bắt được con khi nó chưa chạm đất thì điểm lại được tính cho người bắt được.
6. Ý nghĩa của trò chơi đánh khăng
- Giúp bé rèn luyện và trau dồi thêm những kỹ năng, phẩm chất
- Mang đến cho bé những phút giây thư giãn thoải mái sau giờ học tập căng thẳng.
- Giúp bé rèn luyện thêm về tinh thần đoàn kết
- Bé được tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau trên đất nước.
7. Khi cho bé chơi cần lưu ý những điều gì?
- Các bé đặc biệt là các bé trai đang còn nhỏ, không nghe lời người lớn và hay nghịch những dụng cụ chơi. Do vậy, các ba mẹ, thầy cô cần để ý và dặn các bé không được nghịch ngợm trong quá trình chơi trò chơi.
- Tránh những tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Quan sát và dặn các bé không nghịch và ném lung tung để tránh gây thương tích cho người chơi.
- Nên cho các bé khởi động trước khi chơi để tránh chấn thương!
Trên đây là bài viết của chúng tôi về trò chơi đánh khăng. Mọi người nên tổ chức trò chơi này cho các bé, và tham gia cùng con để giúp đỡ con rèn luyện bản thân trong quá trình chơi đồng thời kiểm soát các bé trong quá trình chơi tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc!
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số trò chơi khác đòi hỏi sự khéo léo và linh hoạt như: